Vô hình trung, báo chí đang bị đặt lên "bàn cân" để hàng loạt cơ quan "soi" và giám sát. Việc này cũng đồng nghĩa với việc gây khó khăn cho người làm báo đồng thời có thể làm gia tăng hiện tượng tiêu cực trong xã hội khi báo chí "mất dần" chức năng giám sát xã hội.
Quá nhiều cơ quan được xử phạt báo chí
Vừa qua, một loạt các quy định về xử phạt vi phạm hành chính được ban hành, điều đáng nói là các quy định này "ôm" thêm cả việc xử phạt báo chí. Ngày 19/7/2013, Nghị định 79/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê (có hiệu lực thi hành từ 5/9/2013) tại Điều 13, Vi phạm quy định về phổ biến thông tin thống kê quy định: "...Phạt tiền từ trên 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật và buộc cải chính thông tin thống kê sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đã phổ biến"…
Tiếp đó, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn ngày 24/9/2013 (có hiệu lực từ 9/11/2013) của Chính phủ tại Điều 14 cũng quy định: "Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường…
Rồi đến Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (có hiệu lực từ 10/12/2013) cũng có quy định phạt tiền từ 3 - 6 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi…
Gần đây nhất, ngày 13/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 173/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ 1/1/2014 cũng quy định phạt tiền nếu báo chí đưa tin sai sự thật, không nêu nguồn gốc cấp tin…
Điều đáng nói, khi một số Nghị định nói trên được soạn thảo và trình lên Chính phủ thì đơn vị soạn thảo cũng chưa tham vấn đầy đủ ý kiến của bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các đơn vị trực tiếp quản lý báo chí. Từ các văn bản nêu trên cho thấy, có rất nhiều cơ quan có "quyền" phạt báo chí. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giáo dục, người có thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (có quyền phạt đến 5 triệu đồng, điểm b, khoản 1, Điều 28, Nghị định 138) đến quận, huyện, thị xã, TP. thuộc tỉnh và tỉnh, TP. trực thuộc T.Ư…
Điều này đi ngược lại các quy định trong Luật Báo chí và các Nghị định hiện hành về xử lý những sai phạm trên báo chí. Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, báo chí Việt Nam đang trên con đường hội nhập và phát triển và có hoạt động theo đúng pháp luật , tôn chỉ, mục đích nhằm phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính báo chí theo những Nghị định nói trên sẽ dẫn tới sự chồng chéo, cùng một lỗi vi phạm, báo chí có thể bị phạt nhiều lần và ngành nào cũng có quyền phạt. Vô hình trung, báo chí đã mất đi chức năng và nhiệm vụ giám sát xã hội. Chưa nói đến, đây cũng là kẽ hở để không ít những cá nhân ỷ vào chức quyền để gây khó dễ với các hoạt động tác nghiệp của báo chí.
Cũng phải nói ngay rằng, hiện nay hoạt động báo chí được coi là một nghề nghiệp "nguy hiểm", nhiều rủi ro trong tác nghiệp, tuy nhiên các quy định về bảo vệ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp chưa hẳn đã hợp lý. Những quy định chưa hợp lý trong xử phạt báo chí vô hình trung tạo nên một rào cản pháp lý nhất định, khiến hoạt động báo chí bị hạn chế, chức năng giám sát xã hội cũng trở nên mờ nhạt.
Các chuyên gia cũng phân tích, nên chăng bộ Tư pháp cần có những kiến nghị kịp thời để sửa những điều chưa hợp lý trong Nghị định. Các cơ quan soạn thảo cũng nên tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan để xây dựng Nghị định một cách hợp lý, tránh tình trạng chồng chéo, rắc rối, gây bất an cho hoạt động báo chí. Trường hợp phát hiện sai phạm thì các đơn vị có thể kiến nghị cơ quan chức năng quản lý báo chí xử phạt để nhằm đảm bảo tính thống nhất về lãnh đạo và quản lý. Không thể để tình trạng ngành nào cũng có quyền xử phạt báo chí.
Trong luật Báo chí, Nghị định 51, Nghị định 02, Nghị định 159 đã quy định đầy đủ quyền, trách nhiệm và chế tài xử phạt cụ thể cho từng hành vi tác nghiệp của phóng viên cũng như tờ báo nơi quản lý phóng viên đó, nếu có vi phạm. Việc ban hành nhiều quy định xử phạt như hiện nay đang gây trở ngại, ảnh hưởng đến tác nghiệp báo chí, hạn chế thông tin những vụ việc tiêu cực trên báo chí.
Cần sửa đổi kịp thời
Trao đổi với PV, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Các cơ quan ban hành văn bản xử phạt vi phạm hành chính ở nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ quản lý tốt đó là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên vấn đề ở đây là họ thêm cả xử phạt báo chí khiến các văn bản, quy định chồng chéo nhau gây khó khăn cho việc quản lý báo chí".
Ông Vũ Mão phân tích: Đáng ra các cơ quan trước khi trình Chính phủ về các quy định thì phải có sự trao đổi, tham vấn. Ở lĩnh vực xử phạt báo chí thì nhất thiết phải lấy ý kiến của bộ Thông tin và Truyền thông. Khi để những quy định trên được ban hành mà thiếu khả thi, thiếu thực tế thì phải xem xét lại trách nhiệm của bộ Tư pháp mà cụ thể là Cục kiểm tra văn bản khi chưa làm hết nhiệm vụ, chức trách của mình. Các cơ quan của Quốc hội giám sát vấn đề này cũng cần nêu ý kiến.
"Tôi kiến nghị đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực này cần có cuộc họp để đánh giá, xem xét lại về Nghị định ban hành các quy định trên. Phải làm sao để khắc phục được sự chồng chéo của các văn bản. Việc báo chí hoạt động đã có luật Báo chí và sự quản lý của bộ Thông tin và Truyền thông. Vì thế nên để bộ Thông tin và Truyền thông phụ trách chung", ông Vũ Mão nói.
Từ các văn bản quy định vừa qua cho thấy, có rất nhiều cơ quan có quyền phạt báo chí. Rồi các văn bản chuyên ngành khác như trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; khí tượng thủy văn... cũng quy định chi tiết về các cơ quan có thẩm quyền xử phạt báo chí như vậy là không hợp lý. Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải có tiếng nói chính thức về tình trạng trên để có sự thống nhất xử phạt hành chính. Cục kiểm tra văn bản của bộ Tư pháp phải nhanh chóng vào cuộc một cách quyết liệt và có trách nhiệm.
"Công tác báo chí rất quan trọng, chúng ta phải tạo điều kiện tốt để báo chí thuận lợi trong việc thông tin chính xác, kịp thời. Quy định Chủ tịch xã cũng có quyền xử phạt báo chí là quá tùy tiện và là một trong những nguyên nhân cản trở báo chí tác nghiệp. Cần phải xem xét và khắc phục kịp thời vấn đề này. Thẩm quyền của các cơ quan ban ngành khác khi phát hiện thấy báo chí thông tin sai sự thật thì báo cáo lên cơ quan thông tin cấp tỉnh, ban Tuyên giáo để xác minh và xử lý. Các văn bản có nội dung vênh nhau nên cần thống nhất lại", ông Vũ Mão cho biết thêm.
Trao đổi với PV, nhà báo Nguyễn Việt Chiến cho biết: "Trong lĩnh vực báo chí thì hoạt động tác nghiệp của tất cả các nhà báo phải chịu sự điều chỉnh của luật Báo chí và sự quản lý của bộ Thông tin và Truyền thông. Vì vậy tất cả các điều luật, quy định của các lĩnh vực khác xử phạt báo chí là không cần thiết. Như thế sẽ gây khó khăn cho báo chí tác nghiệp và tạo cơ hội cho một số cá nhân, đơn vị lạm dụng gây khó khăn cho báo chí khai thác thông tin. Chính vì vậy tôi nghĩ các cơ quan ban ngành có liên quan cần phải có sự điều chỉnh, thay đổi lại một cách nhất quán và nghiêm túc".
Bàn về tính pháp lý của những quy định trên, luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Các cơ quan khác sẽ căn cứ vào đâu để cho rằng báo chí vi phạm và xử phạt hành chính. Bởi vấn đề này họ phải kiến nghị lên cơ quan cấp trên, rồi kiến nghị lên bộ Thông tin và Truyền thông. Khi các cơ quan này kiểm tra, xác minh, nếu có sai phạm thật sẽ xử phạt theo quy định chung. Vậy thì bây giờ thêm quy định các cơ quan, ban ngành khác như giáo dục, thuế… cũng được xử phạt sẽ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn nhau.
“Theo tôi, kể cả Nghị định đã ban hành nếu thấy không hợp lý, không đúng thì các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan chức năng cần thẩm tra, thẩm định lại, thậm chí là đề nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi lại cho phù hợp”, luật sư Thái nhấn mạnh.
Đến ngành thuế, khí tượng thủy văn cũng được phạt báo chí!
Từ nhiều Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành cho thấy có quá nhiều cơ quan có quyền xử phạt báo chí. Đơn cử như trong lĩnh vực giáo dục, người có thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (có quyền phạt đến 5 triệu đồng, điểm b, khoản 1, điều 28, Nghị định 138). Trong lĩnh vực thống kê, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện…(Nghị định 79). Tiếp đến, các văn bản chuyên ngành khác như trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; khí tượng thủy văn...cũng quy định chi tiết về các cơ quan có thẩm quyền xử phạt báo chí.