Sáng 8/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh sửa Dự thảo pháp lệnh Quản lý thị trường.
Các ý kiến tại Hội nghị đều cơ bản tán thành, đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm cho tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tinh thần của hiến pháp, không động chạm tới quyền tự do sản xuất kinh doanh của công dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tên Pháp lệnh nên giữ nguyên là Pháp lệnh Quản lý thị trường.
“Các nội dung khác như lực lượng này tổ chức thế nào thì giao cho Chính phủ làm, nhưng phải tăng cường để xây dựng lực lượng này có thể làm nên sự nghiệp.
Trước yêu cầu của đất nước bây giờ, tình hình thị trường bây giờ vô cùng phức tạp phải vừa có chức năng chống gian lận, chống buôn lậu, chống hàng độc hại, đảm bảo an toàn cho người dân”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông Hùng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất nhức nhối, nhưng khi Quốc hội chấn vấn thì Bộ NN&PTNT đổ cho Bộ trưởng Bộ Công Thương, rồi lại có liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế…
“Ví dụ sản phẩm nông nghiệp từ cánh đồng đến mâm cơm. Bộ NN&PTNT bảo chỉ có trách nhiệm trên cánh đồng thôi, hàng ra chợ rồi thì không có quyền nhảy vào.
Tôi thấy các Bộ trưởng bị bí thường nói như thế. Bây giờ tôi nuôi được con gà, trồng được mớ rau, tôi chỉ lo được trên cánh đồng thôi nhưng khi ra chợ thì lại liên quan đến trách nhiệm của Quản lý thị trường.
Quản lý thị trường muốn xem con gà có ăn thức ăn bậy bạ không lại phải quay lại Bộ NN&PTNT. Chứ còn quản lý thị trường làm gì được”, ông Hùng nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Cũng vì thế, theo ông Hùng, phải tiến tới xây dựng Luật. “Luật này giống như đèn xanh, đèn đỏ. Người bấm nút đèn xanh đèn đỏ là lực lượng quản lý thị trường.
Quản lý thị trường không quy định sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi làm ra phải có hàm lượng, chất lượng thế nào. Cái đó để các Bộ người ta lo.
Theo các quy định đó, xác định hàng này là hàng giả thì không cho qua, không cho lưu hành trên thị trường. Lực lượng này mới là lực lượng chuyên nghiệp”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, hiện có nhiều luật cản trở hoạt động của lực lượng quản lý thị trường. “Các đồng chí không tiến tới luật như trên thì các Bộ đều đổ tội cho nhau, mà dân phải chịu trận thực phẩm bẩn, thuốc giả…”, ông Hùng nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Pháp lệnh thực hiện trong một vài ba năm rồi tổng kết lại để làm Tổng cục Quản lý thị trường có hệ thống từ Trung ương đến địa phương trực thuộc Bộ trưởng Bộ công thương.
Sau đó, dù là sản phẩm thuốc, dù là sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông… đều phải qua Tổng cục này quản lý, giám sát.
Tại Hội nghị, 100% số Ủy viên Thường vụ Quốc hội có mặt đồng ý thông qua Dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường.