Ngày 2-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri.
Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 3, ông Lâm Ngọc Mạnh (P.12) đặt vấn đề: Thái độ, biện pháp của Đảng, của Nhà nước, của các lãnh đạo trung ương đối với vấn đề lợi ích nhóm như thế nào?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Đã là cấp cao phải hết sức quan tâm vấn đề này, chỉ đạo cho thật tốt. Nếu không chuyển biến được thì đương nhiên Ban Chấp hành trung ương phải chịu trách nhiệm trước hết và cấp cao chúng tôi phải chịu trách nhiệm, không né tránh gì được”. Chủ tịch nước cũng lưu ý ở địa phương, ở mỗi ngành, cử tri cần hỏi các đồng chí ở địa phương mình, ở ngành mình ra sao? “Tôi nghĩ các đồng chí ngồi đây đều biết cả, chỉ muốn hỏi thêm thôi” - Chủ tịch nước nói.
Dư âm về trả lời chất vấn tại Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình xoay quanh chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức... đã gợi lên những tranh luận trong cử tri. Ông Nguyễn Hữu Châu (P.7, Q.3) cho rằng tỉ lệ 1% cán bộ công chức không làm được việc e rằng chưa phù hợp. Theo ông Châu, bởi lẽ nếu số 99% công chức, viên chức nhà nước còn lại làm được việc (cả tài lẫn đức) thì Đảng, Nhà nước sẽ không cảnh báo là nạn tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói thẳng nếu quả thật công chức của mình mà chỉ có 1% yếu kém thì mắc gì ra nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng làm gì, làm chi cho cực khổ, tốn kém từ trung ương đến phường, xã... “Chắc chắn không phải 1%, tôi không tin. Đảng đã nói trên giấy trắng mực đen là một bộ phận không nhỏ mà, còn 1% là đâu có lớn” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Người dân phải được nắm bắt đầy đủ Hiến pháp sửa đổi
Đây là khẳng định của ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - trước các cử tri Q.5 và Q.10 tại buổi tiếp xúc cử tri của đơn vị 4 - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 2-12. Các cử tri mong muốn những điểm mới của Hiến pháp sửa đổi phải được truyền đạt một cách dễ hiểu nhất để tất cả người dân đều nắm bắt và phải nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ông Lê Thanh Hải đồng tình với ý kiến này và cho rằng việc nhanh chóng đưa bản Hiến pháp sửa đổi đi vào cuộc sống là một nhiệm vụ rất quan trọng. Đối với một số điểm còn có những ý kiến khác nhau trong bản Hiến pháp sửa đổi, ông Lê Thanh Hải cho biết trung ương đã ghi nhận và sẽ có những điều chỉnh phù hợp khi có điều kiện thích hợp.
Về ý kiến của cử tri cho rằng cần có một khu vực riêng cho hoạt động mại dâm, nhằm khu trú tệ nạn và sàng lọc đối tượng mua dâm như nhiều nước trên thế giới đã làm, ông Lê Thanh Hải khẳng định: “Không thể có chuyện đó vì điều này đi ngược với bản chất chế độ, đi ngược với đạo lý của dân tộc”.
Có tai biến nhưng vẫn phải làm
Cùng ngày, tổ công tác đại biểu Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc với các cử tri huyện Bình Chánh và Q.8 (TP.HCM).
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sau ba ngày đầu triển khai đường dây nóng tại các sở y tế, bệnh viện, có khoảng 1.000 cuộc gọi đến Bộ Y tế. Trong đó, hơn một nửa cuộc gọi phản ảnh thái độ của cán bộ ngành y tế. “Qua kênh này, chúng tôi đang xem xét cho thôi việc một người, một người đã bị chuyển công tác. Để khuyến khích người dân phản ảnh tiêu cực của ngành, chúng tôi có ý định phối hợp với các nhà mạng để miễn cước cuộc gọi đến đường dây nóng” - bà Tiến nói.
Tại buổi làm việc ở Q.8, cử tri Phan Văn Lượng nói: “Vừa mới sử dụng văcxin Quinvaxem trở lại, nhiều trẻ lại bị tử vong. Vừa rồi báo Tuổi Trẻ có đăng bài “Văcxin Quinvaxem tốt cho ai?”, tác giả bài báo có nêu vấn đề văcxin này tốt cho ai, cho trẻ em hay cho các hãng dược? Tôi thấy rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Tiêm phòng ngừa bệnh cho trẻ tất nhiên là cần thiết. Nhưng tiêm lo trẻ bị phản ứng, nặng thì tử vong kiểu này thì dân lo lắm. Sinh một đứa con là đứt ruột đứt gan. Tôi hỏi bộ trưởng có lo lắng, có nhức nhối như chúng tôi không?”.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Năm tháng đầu năm 2013 xảy ra một loạt tai biến, trong đó có năm trường hợp tử vong sau khi tiêm văcxin này. Mặc dù điều tra chưa thấy nguyên nhân do văcxin nhưng Bộ Y tế vẫn quyết định ngưng dùng. Đồng thời, gửi văcxin cho các tổ chức quốc tế kiểm định thì không thấy có vấn đề.
Sau đó, Tổ chức Y tế thế giới đề nghị Chính phủ VN tiếp tục sử dụng văcxin này. Sau khi sử dụng lại thì phản ứng sau tiêm vẫn xảy ra. Tuy nhiên qua thống kê, tỉ lệ phản ứng sau tiêm của VN vẫn thấp hơn các nước khác. Tôi xin nói rõ là văcxin dù có an toàn đến đâu thì khi tiêm vào vẫn có tai biến nhưng chúng ta cũng phải làm.
Tình trạng sốc phản vệ sau tiêm là tùy theo cơ địa, không thể nào tránh khỏi. Một nguyên nhân phổ biến trẻ tử vong sau khi tiêm Quinvaxem trùng ngẫu nhiên với tỉ lệ tử vong đối với trẻ dưới 1 tuổi. Mỗi ngày, trung bình chúng ta có 20-30 trẻ dưới 1 tuổi tử vong không rõ nguyên nhân. Tỉ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi của VN thấp hơn nhiều so với Indonesia và Philippines.
Lãnh đạo thì đừng quan liêu
Ngày 2-12, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại các quận Hải Châu, Sơn Trà và Cẩm Lệ.
Trả lời ý kiến cử tri, ông Nguyễn Bá Thanh (đại biểu Quốc hội, trưởng Ban Nội chính trung ương) cho rằng việc cử tri nêu thực trạng một bộ phận cán bộ công chức làm việc không hiệu quả, Nhà nước nói tinh giản biên chế nhưng thực tế biên chế vẫn ngày càng phình to ra là có thật.
Ông Thanh cho biết: “Bây giờ nói bao nhiêu phần trăm công chức không làm việc thì rất khó, vừa rồi có nhiều người phát biểu nhưng thực tế là nói áng chừng thôi. Hiện việc đánh giá bộ phận cán bộ này đang được Bộ Nội vụ rà soát lại và có hướng xử lý cụ thể trong thời gian tới. Thực tế hiện có nơi việc đầy ắp làm cả thứ bảy chưa hết việc nhưng có nơi rảnh rang ngồi chơi. Trong cơ quan cũng vậy thôi, có bộ phận thì đầy việc ra nhưng có bộ phận không làm việc gì”.
Liên quan đến vấn đề tham nhũng mà một cử tri Q.Hải Châu nói đang là “quốc nạn”, ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Tham nhũng thì chống nhưng phải phòng nữa chứ. Làm cán bộ lãnh đạo thì phải để mắt đến chỗ có tiền có bạc. Mà thật ra nó cũng loanh quanh mấy chỗ như đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính ngân hàng. Rồi nhiều lĩnh vực khác, ngay cả chỗ dịch vụ công cũng xảy ra, thậm chí có trong bệnh viện, nơi nhiều nơi ít tùy theo quy mô thôi. Lãnh đạo thì đừng quan liêu, phải để mắt tới. Cả đại biểu Quốc hội, HĐND, các hội đoàn thể, mặt trận, báo chí cũng phải vào cuộc... Cả xã hội cũng phải để mắt tới, phải giám sát thì dần sẽ tốt lên”.
Còn về vấn đề thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho dân miền Trung vừa qua, ông Thanh nói: “Mấy ông thủy điện tham lam, cứ tích nước cho đầy rồi đến khi mưa lớn đổ xuống, mấy ông thủy điện sợ vỡ đập nên xả, thế là dân không trở tay kịp”. Theo quan điểm của ông Thanh, đã gây thiệt hại cho dân phải đền bù chứ không nói chuyện hỗ trợ theo kiểu ban ơn.
QUỐC THANH - VIỄN SỰ - MINH MẪN - HỮU KHÁ
Cần tập tôn trọng ý kiến khác nhau
Khi bỏ phiếu ở Quốc hội, kể cả thông qua Hiến pháp, không được 100% phiếu, có ý kiến bày tỏ không hài lòng. Tôi đề nghị thế này, bây giờ mình tập thành thói quen. Trước đây cái gì đó không được 100% mình thấy khó chịu, nhưng lúc bấy giờ tình hình khác, bây giờ đã khác. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội hiện đã phát triển nhiều.
Mình phải tôn trọng ý kiến khác nhau chứ không thể không tôn trọng. Do vậy, đạt phiếu cỡ 70-80% trong điều kiện VN là tốt lắm rồi. Thông thường chúng tôi nhận được phiếu tín nhiệm cao và nói thật là tôi cũng ngạc nhiên lắm bởi vì xét chức trách Đảng, Nhà nước, Hiến pháp phân công mà làm như thế là không được, chưa ổn. Đây là ý kiến không phải ít. Tôi đề nghị cần tập tôn trọng ý kiến khác nhau.
Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG