Doanh nhân than phiền với Chủ tịch nước
Ngày 4/3, Tổ Đại biểu Quốc hội số 1 (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với các chủ doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Trong hơn 2 giờ gặp mặt, nhiều doanh nhân, người đại diện cho các hiệp hội ngành nghề đã có những phát biểu thẳng thắn nói nên sự bất cập mà một số chính sách gây ra cho họ trong kinh doanh, sản xuất.
Ông Trần Việt Anh – Phó chủ tịch Hiệp hội cao su, nhựa TP.HCM đã cảnh báo về việc các doanh nghiệp nhựa đang bị Thái Lan thâu tóm.
Cụ thể gần đây đã có 4 doanh nghiệp với doanh thu gần 1.000 tỷ rơi vào tay người Thái và sản phẩm của họ đang cùng xuất vào Châu Âu để cạnh tranh với hàng Việt Nam.
Theo ông Việt Anh, Ngân hàng nhà nước ta có những thay đổi rất tích cực và tạo ra nguồn vốn.
Từ vị thế "xin-cho" nay doanh nghiệp và ngân hàng đã trở thành bạn bè “bá vai bá cổ nhau”, thậm chí ngân hàng đi tìm doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp “làm eo”.
Tuy nhiên nếu so sánh với các ngân hàng Thái Lan thì vẫn còn nhiều khác biệt vì các doanh nghiệp nhựa Thái Lan chỉ phải vay ngân hàng tại nước này với lãi suất 1%, thậm chí những dự án mới đầu tư có thể có lãi suất 0%.
Đại diện cho các doanh nghiệp da giày cho rằng cho đến nay doanh thu thực tế của ngành này vẫn rất thấp vì đa số chỉ đi gia công.
Việc quản lý đang còn lỏng lẻo vì dù cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức bắt hàng gian, hàng giả nhưng hàng trôi nổi trong các cửa hàng kinh doanh lại được tự do bày bán. “Thậm chí tại 3 chợ lớn là
Đồng Xuân, An Đông, Bến Thành có tới 90% hàng da giày là giả” – vị này nói.
Đề cập đến vấn đề của lĩnh vực cơ khí, ông Đỗ Phước Tống – Phó chủ tịch Hiệp hội Cơ khí TP.HCM cho biết các chính sách thuế đối với doanh nghiệp cơ khí hiện không công bằng và điều này khiến nhiều doanh nghiệp bị thua thiệt lớn.
Ông Tống cho hay, các máy móc (sản phẩm hoàn chỉnh) nhập về hiện nay gần như được áp dụng mức thuế bằng không, trong khi đó các doanh nghiệp chế tạo khi mua nguyên liệu để làm ra sản phẩm vẫn bị áp thuế.
Ông Tống cũng phản ánh một vấn đề khác là hiện nay có những doanh nghiệp đã chế tạo được khuôn mẫu với độ chính xác rất cao và xuất sang được những nước có đòi hỏi khắt khe như Đức, Thụy Sỹ nhưng vẫn chưa được Bộ Khoa học Công nghệ đưa vào danh mục các sản phẩm chế tạo được.
Ý kiến của các đại diện doanh nghiệp TP.HCM rất thẳng thắn.
Chúng ta đang dọn sân cho người ta đá
Trước ý kiến của đại diện doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch nước cho biết với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do tới đây, các doanh nghiệp sẽ có những cơ hội lớn và những thách thức cũng không nhỏ.
“Không có cơ hội nào tự đến nếu không chuẩn bị... Sung sẽ không tự rơi vào miệng, nó sẽ rơi ra ngoài” – Chủ tịch nước nói.
Gần đây có hiện tượng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam nhanh nhưng không có ai giải thích vì sao? Chủ tịch Sang đặt câu hỏi như vậy và trả lời: “Họ đang khai thác phần lợi thế đáng lẽ doanh nghiệp Việt Nam được hưởng.
Chúng ta rất là “hữu hảo”, không thèm hưởng mà để phần đó cho doanh nghiệp nước ngoài”.
“Mình chuẩn bị sân bãi cho họ đá rất là thoải mái, vui vẻ, rõ ràng sự chuẩn bị của mình không đồng bộ.
Nhân buổi tiếp xúc này tôi muốn xem không khí hội nhập của các doanh nghiệp ra sao và thấy rằng quá trình cải cách đổi mới doanh nghiệp so với quá trình hội nhập theo tiêu chí mới còn có khoảng cách rất lớn.
Người ra mặt trận là anh chị em ngồi đây nhưng vẫn hết sức lúng túng, bị động. Đây là báo động rất rõ ràng” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh rằng chúng ta hội nhập sâu nhưng phải giữ tự chủ, đồng thời không phải là chúng ta sống một mình. “Ta sống với bạn bè nhưng phải có sức có lực mới đứng được” – Chủ tịch nước nói.
Lấy ví dụ cụ thể về vấn đề sản xuất khuôn mẫu mà ông Tống nêu phía trên, Chủ tịch nước cho rằng đó là thành tựu đáng tự hào.
Tuy nhiên hiện nay ngành công nghiệp nguyên liệu, nguyên mẫu “vẫn là zero, vậy làm sao độc lập, tự chủ được?".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chốt lại vấn đề: “Doanh nghiệp phải vươn lên mạnh mẽ bằng quyết tâm cao.
Mình phải vẫy vùng, phải sắm sửa hành trang trong điều kiện mới để bước sang bậc thềm mới, mà nếu bước thành công Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình”.