“Cúng lễ đầu năm để yên tâm hơn”
Chọn ngày mở cửa hàng đầu năm được coi là một nét đẹp trong tín ngưỡng lâu đời của người dân Việt, đặc biệt là giới doanh nhân.
Cũng giống như tục lệ xông đất, cúng lễ đầu năm, việc làm này nhằm cầu may, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của phần đông những người kinh doanh - buôn bán.
Anh Nguyễn Quốc Hoàn, một lái xe taxi tại Ninh Bình, sau giao thừa thường chở các nhà sư đi lễ. Năm nay cũng vậy, anh đã hợp đồng trước với các nhà sư để họ trở thành những khách hàng đầu tiên giúp anh “mở hàng đầu năm”.
Anh Hoàn tâm sự: Những nhà sư đều là những người rộng rãi, nhẹ nhàng. Chọn các nhà sư làm khách khai xuân, anh hi vọng các khách hàng trong năm mới mà anh gặp sẽ đều phóng khoáng, dễ dãi, thoải mái như vậy.
Không quá nặng nề về các phong tục tập quán và mê tín tới mức phải đi xem thầy để chọn ngày tốt, ngày đẹp nhưng ông Lê Tâm, Giám đốc công ty Sơn Ytune cũng đã xem xét rất nhiều cuốn sách để lấy ngày mùng 8 hợp với tuổi 63 của mình để bắt đầu mở cửa kinh doanh.
Trong ngày đầu tiên làm việc, ông cũng chọn cậu con trai sinh năm 94 - người hợp với mệnh của ông để xông đất, mở hàng. Bên cạnh đó, ông chỉ yêu cầu một số nhân viên có tuổi đẹp tới công ty để gặp gỡ đầu xuân năm mới.
Số nhân viên còn lại ông tạo điều kiện cho nghỉ Tết dài ngày thêm, bởi đầu năm nhu cầu mua sơn chưa nhiều.
“Tôi rất hay đi lễ, trước Rằm thường đi chùa Hương, sau đó mới đi lễ ở các nơi khác. Với tôi, ngày mở hàng đầu năm khá quan trọng, bởi nó là ngày gửi gắm mong muốn sự may mắn trong làm ăn, cầu mong những điều tốt đẹp” – ông Tâm nói.
Ông Tâm cũng cho rằng: Việc “mở hàng đầu năm” có chú trọng hay không phụ thuộc vào người chủ của doanh nghiệp.
“Người ta có câu “Tu đạo tại tâm”. Riêng bản thân tôi thì thấy câu nói: “Có thờ có thiêng” rất đúng. Những việc mình làm có tâm, có đức thì công việc sẽ thuận lợi, không trắc trở, trong khi những người không có tâm, dù hay đi lễ cũng không có lộc” – ông Tâm quan niệm.
Đồng tình với quan điểm của ông Tâm, ông Trần Văn Thụ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Đất Việt, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ uy tín trên địa bàn Tp.HCM cho rằng:
Việc mở hàng mang tính chất tâm linh nên mỗi doanh nghiệp sẽ đều chọn một ngày tốt, giờ tốt, hợp tuổi với người đứng đầu để làm lễ cúng đầu năm.
“Việc cúng lễ để mở hàng đầu năm chỉ là niềm tin, mình làm để cảm thấy thoải mái hơn. Nó cũng giống như liều thuốc tinh thần hỗ trợ đắc lực cho những người bị bệnh.
Không phải nếu không cúng thì mình sẽ sập tiệm… Cúng chỉ làm tăng thêm niềm tin cho người quản trị, là động lực để họ tin rằng mình có sự hậu thuẫn, có quý nhân phù trợ, tự dưng cảm thấy phấn chấn, hứng khởi hơn.
Từ tư tưởng an tâm đó khiến mọi việc thuần buồm xuôi gió, xuôi chèo mát mái thêm” – ông Thụ nói.
Kinh doanh bởi chữ Tín, chứ không “mê tín”
Trong khi, nhiều chủ doanh nghiệp rất cẩn thận, kỹ lưỡng trong việc chọn giờ “hoàng đạo” để mở cửa, chọn đúng ngày để “xông đất”, tìm đúng người có vía tốt để mua hàng,… nhằm đón lộc đầu năm thì nhiều doanh nghiệp lại coi nhẹ những việc này.
Với họ, nhu cầu thiết thực của người dân mới là lý do chính khiến họ buộc phải mở cửa hay bán hàng.
Khi PV hỏi đại diện siêu thị BigC, một trong những siêu thị lớn tại Việt Nam có ông chủ là người nước ngoài, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc truyền thông của chuỗi hệ thống BigC cho biết: Doanh nghiệp này không quá tâm linh vào việc chọn ngày đẹp để mở hàng.
Siêu thị BigC trong toàn hệ thống đã chọn ngày mùng 3 để mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân cả nước.
Ông Nguyên lý giải: Khách hàng đã mua sắm trước Tết rồi nên siêu thị chỉ nghỉ ngày mùng 1 và mùng 2 còn bước sang ngày mùng 3, người dân bắt đầu đi mua sắm trở lại nên siêu thị chính thức bán hàng.
Ông Lê Tâm, Nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền cũng tiết lộ: Tại kem Tràng Tiền hầu như không có khái niệm kén chọn ngày đẹp hay tránh ngày xấu.
Vì thương hiệu này bán khá chạy vào ngày Tết nên họ bán hàng tới 12h đêm 30 Tết tới tận 1h sáng ngày đầu tiên của năm mới – ngày mùng 1. Nghỉ ngơi ít giờ sau đó, bước sang ngày mùng 2, họ lại mở cửa trở lại bình thường.
“Hồi đó chúng tôi bán xuyên đêm 30, lấn sang cả ngày mùng 1 rồi nên dù có chọn ngày đẹp cũng không còn ý nghĩa gì.
Mặt hàng dịch vụ kem này cũng được mua nhiều vào ngày nghỉ Tết nên công ty phải cắt cử nhân viên thay phiên nhau trực và bán hàng liên tục, không ngừng nghỉ” – ông Tâm nói.
Khi chúng tôi nhắc tới quan niệm mở hàng kinh doanh đầu năm, chị Nguyễn Thị Thu Hiên, trợ lý Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu lắc đầu:
“Bảo Tín Minh Châu kinh doanh trên chữ Tín, sẵn sàng phục vụ bất cứ khi nào khách hàng cần chứ không kiêng cữ gì hết”.
Tại Bảo Tín Minh Châu, cứ đến hẹn lại lên, 26 năm nay, kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, cứ đến ngày mùng 6 là hệ thống cửa hàng của vàng bạc này lại mở cửa đón khách tới mua bán, giao dịch.
Bà Hiên cho hay: “Năm nào chúng tôi cũng mở hàng vào ngày mùng 6, không quan trọng ngày đẹp, ngày xấu. Ban giám đốc chỉ quan niệm: Cứ mùng 6 là mở cửa, chỉ kiêng không làm điều ác, chứ không kiêng gì.
Thậm chí, ngay cả ngày mùng 6 là ngày xấu thì vẫn mở cửa bán hàng”.
Bà Hiên nhấn mạnh: “Người ta cứ nói “có kiêng có lành” nhưng bên chúng tôi chỉ chú trọng chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín. Đặc biệt là sự ủng hộ của khách hàng. Chỉ thế thôi”.
Tuy không chú trọng chọn ngày lành để mở cửa nhưng Bảo Tín Minh Châu vẫn thành kính trong việc thắp hương thổ địa những ngày lễ, tết hoặc ngày quan trọng trong năm.
“Tôi nghĩ việc thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lực của người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công nhân viên, chứ không phụ thuộc vào việc cúng bái nhiều hay ít.
Bởi nếu nhờ việc cúng bái mà doanh nghiệp phát triển thì có khi chẳng ai chú tâm làm việc làm gì, chỉ đi cúng bái không thôi” – ông Thụ, Giám đốc bảo vệ Đất Việt nói vui.
Chính vì vậy dù là người khá cẩn thận, chỉn chu trong việc cúng bái, ông Thụ vẫn luôn đề cao việc đào tạo nhân viên, giữ vững niềm tin với khách hàng, vì theo ông, đó mới là cốt lõi tạo nên sự bền vững của doanh nghiệp.