Bà Đỗ Thị Kim sinh ngày 20/10/1952 tại xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, là người con thứ ba trong gia đình có tám anh chị em. Bà là người phải sống khổ cực cả trong tình cảm vợ chồng, gia đình, con cái, cuộc sống là một chuỗi những điều bất hạnh.
Bà Kim lấy chồng từ năm 1979 nhưng chỉ ở với nhau được 2 năm. Đến giờ bà chỉ nhớ chồng bà tên Thành, người ngoại thành Hà Nội lên Vĩnh phúc buôn bán bằng nghề đan tre, đan rổ rá… Thậm chí, ông sinh năm bao nhiêu bà cũng không nhớ rõ, chỉ biết ông đã có vợ con ở Hà Nội nhưng bà vẫn chấp nhận lấy ông Thành với suy nghĩ kiếm một đời chồng và một đứa con cho xong.
“Ông còn kể lại với tôi là: Cuộc sống vợ chồng của ông ấy cũng không hạnh phúc gì. Cũng cưới nhau và có con nhưng không ra gì cả, xích mích gia đình sau đó bị vợ và bố đuổi đi. Bởi vậy mới bỏ nhà đi lăng nhăng, làm thuê, đan nát khắp nơi. Đầu tiên ông ấy đi làm nghề đan rổ rá ở tận Thái Nguyên sau đó mới chuyển về Vĩnh Phúc, vào làm đan nát cho anh trai tôi và chúng tôi quen nhau, một thời gian sau ông ấy hỏi lấy tôi. Ban đầu tôi không chấp nhận, sau đó, nghĩ mình cũng không xinh đẹp, giỏi giang gì mà cũng đến tuổi lấy chồng nên tôi đã quyết định lấy ông Thành”.
Vợ chồng bà Kim lấy nhau rồi song vẫn nghề ai người ấy làm, thân ai người ấy lo. Thậm chí ông Thành còn đi suốt, chỉ tối đến mới ở nhà. “Chắc ông ấy lấy tôi chỉ để lấy chỗ đi lại, tá túc qua ngày" bà Kim chua xót kể lại. Thứ tài sản duy nhất mà ông mua cho bà chính là 5 con gà con mới nở. Lúc ấy tôi mừng lắm, chăm bẵm đến khi nó lớn, thịt cũng không dám thịt, chỉ chờ nuôi chúng nó lớn lên rồi bán”.
Nhưng thời gian ở bên nhau của đôi vợ chồng “hờ” này cũng chỉ kéo dài được hai năm bởi ông Thành tự dưng biến mất.
Bà Kim rưng rưng trong nước mắt: “Vợ chồng sống với nhau mà không có tí tình cảm nào. Từ hồi sống với nhau ông chưa bao giờ cho tôi một đồng nào mà còn lấy thêm của tôi đi. Chắc là mang về cho vợ con dưới nhà. Tôi có hai con lợn, ông ấy cũng lấy trộm của tôi môt con đem bán, để lại cho tôi một con thì cuối cùng nó cũng chết”.
Đó là thời điểm giáp Tết năm 1981, ông Thành bỏ đi không để lại cho bà một thứ gì quý giá. Chỉ mập mờ nói câu: “Nào, nhốt đàn gà vào để mai cho đi theo bố nó”. Chia sẻ với chúng tôi, đến giờ bà vẫn bị ám ảnh bởi câu nói đó. Bởi khi nghe câu nói ấy, bà cũng không hiểu ẩn ý là ngày mai ông sẽ về quê với vợ con.
“Chiều hôm đó, tôi thấy cửa nhà đóng, gọi cũng không thấy ông ấy trong nhà. Tôi thấy nghi nghi nên đã chạy đi hỏi anh em. Hỏi ông hàng xóm ông ấy cũng chỉ biết là thấy ông Thành mang mấy con gà đi theo, nghĩ đi bán để mua thịt lợn ăn Tết”. Bà Kim chạy đến tận nơi hỏi nhưng cũng không phải ông Thành đi bán gà để sắm Tết. Đến đêm cũng không thấy chồng về nhà bà mới tả hỏa ông đã mang đàn gà về quê với vợ con dưới đó. Khi ông đi rồi thì bà mới nhớ ra tại sao ông lại nói như vậy.
Bà còn chia sẻ, không những mang đàn gà đi, ông chồng “hờ” còn muốn đòi lại chiếc cót đựng lúa mà ông ấy đan cho bà để đem đi biếu nhưng bà Kim không đồng ý. “Vợ chồng xa nhau để lại cho nhau nỗi nhớ, niềm thương, để lại cho nhau những gì quý giá nhất. Đằng này ông đi rồi còn mang sạch của tôi đi, nhất là đàn gà mới lớn tôi đang định bán. Đến giờ tôi vẫn thấy trách ông ấy lắm”.
Mấy hôm sau bà Kim đi chợ, được bà hàng xóm hay mua hàng đan nát của chồng mình kể lại: “Ông ấy về quê với vợ con rồi. Tôi tin ông chồng bà quá giờ mất cả chiếc xe đạp. Ông ấy bảo mượn xe đạp để đi bán gà nhưng cũng không thấy về nữa”.
Sống với nhau 2 năm nhưng vợ chồng bà Kim chưa một lần hạnh phúc. Đến với nhau như tạo ra cái nợ để khi ra đi ông lấy đi tất cả những gì không phải của mình. Không chỉ lừa vợ, ông chồng “hờ” này còn lừa lòng tốt của những người hàng xóm.
Đau khổ, tuyệt vọng rồi cũng qua. Từ đó bà cũng không nhớ đến ông chồng ấy nữa, bặt vô âm tín cho đến ngày bà nghe người ta đồn là ông ấy chết rồi. "Chuyện lâu rồi nên người trong xóm bây giờ cũng không biết, nhiều người cứ tưởng tôi chưa một lần lấy chồng”, bà Kim tâm sự.
Sau khi chồng bà bỏ đi bà cũng không lấy chồng và quyết định ở vậy cho đến tận bây giờ. Ứơc muốn lấy chồng để có con cũng không thành hiện thực. Cho đến một ngày bà bắt quen với một người đàn ông cùng xóm và may mắn có con. Sinh được cậu con trai năm 1993, nhưng lại bị viêm cơ chân, không đi lại bình thường được. “Giờ thằng con trai duy nhất của tôi cũng lớn rồi. Tôi cũng không muốn kể lại mối tình của tôi và ông Thành cho nó nghe. Nó cũng biết bố nó là ai nhưng không muốn nhận bố vì người ta cũng có nhận mình đâu”.
Hai mẹ con bà Kim giờ chỉ biết sống nương tựa vào nhau với đồng lương ít ỏi của con bà kiếm được. Cuộc tình của bà như một vết sẹo lớn mà mãi mãi không lành.Kể câu chuyện đó lần nữa cho chúng tôi nghe, là một lần nỗi đau của bà bị đánh thức.