Chồng Hàn không thể chỉ biết đòi hỏi cô dâu Việt hòa nhập...

Theo Lao Động |

Khi biết tin Diễm Trinh tự sát ở Busan khi mới 23 tuổi, trái tim tôi như muốn vỡ ra. Là một người Hàn Quốc, tôi cảm thấy vô cùng đau khổ, muốn cầu xin sự tha thứ từ xã hội Việt Nam.

Đồng thời, tôi cảm thấy tức giận với Hàn Quốc, giận các ông chồng và gia đình nhà chồng của các cô dâu Việt. Đã đến lúc, Chính phủ Hàn Quốc cần nâng cao nhận thức cho những người chồng Hàn Quốc về văn hóa Việt Nam, để tránh những thảm kịch lặp lại...

Không thể cứ “nhập gia” là lập tức “tùy tục”...

Kết hôn quốc tế là sự hội ngộ của hai nền văn hóa. Không phải cứ đến Hàn Quốc là ngay lập tức các cô dâu Việt có thể ứng xử ngay như người Hàn Quốc.

Trong khi đó, người chồng thường yêu cầu vợ phải hòa nhập lập tức. Ngay cả cây cối cũng cần thời gian để thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, làm sao người con gái đó có thể thay đổi ngay khi vừa sang quê chồng.

Diễm Trinh cùng gia đình chồng trong ngày cưới.

Tôi đã sống 20 năm tại Việt Nam, nhưng tôi vẫn là người Hàn. Tôi chỉ có thể nỗ lực tìm hiểu về Việt Nam qua lăng kính của Hàn Quốc, chứ tuyệt đối không thể hành động hay suy nghĩ hoàn toàn như người Việt được.

Song các ông chồng người Hàn cứ nhất mực đòi hỏi vợ “nhập gia” thì phải “tùy tục”. Đây là một vấn đề nghiêm trọng trong các cuộc hôn nhân quốc tế.

Vị trí xã hội của phụ nữ Việt Nam cao hơn phụ nữ Hàn Quốc rất nhiều. Quyền phát ngôn cũng rất mạnh mẽ. Hàn Quốc chưa được như vậy.

Mặc dù đã có nữ tổng thống đầu tiên vào năm 2013, nhưng Hàn Quốc vẫn là một đất nước có truyền thống gia trưởng. Điều này gây nhiều khó khăn cho các cô dâu Việt. Xã hội Hàn Quốc coi trọng vai trò tuyệt đối của chồng, mẹ chồng. Các cô dâu phải phục tùng.

Dù xã hội Hàn Quốc đang thay đổi, nhưng phần lớn cô dâu Việt thường theo chồng sinh sống tại các vùng nông thôn - nơi những ảnh hưởng của truyền thống vẫn rất nặng nề. Đây là thách thức mà các cuộc hôn nhân quốc tế phải vượt qua, đòi hỏi sự nỗ lực từ cả ba phía: Người vợ, người chồng và mẹ chồng.

Đã đến lúc Chính phủ Hàn Quốc phải thực thi các biện pháp giáo dục để nâng cao nhận thức cho các ông chồng Hàn và gia đình của họ về văn hóa Việt Nam. Phải bắt đầu từ chính những người như mẹ chồng của Diễm Trinh.

Hàn Quốc có thể phát triển hơn Việt Nam về mặt kinh tế, nhưng nếu chỉ tập trung yêu cầu các cô dâu thích ứng và hòa nhập vào văn hóa Hàn Quốc thì những bi kịch này còn tiếp tục.

Bên cạnh đó, nhiều cô dâu Việt cũng chưa thực sự hiểu năng lực kinh tế của người chồng Hàn Quốc. Phần lớn trong các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, người chồng chỉ kiếm được khoảng 2.000USD/tháng. Đây chỉ là mức thu nhập trung bình. Song một số cô dâu Việt thường yêu cầu chồng chi tiêu nhiều hơn ngưỡng họ có...

Hãy ngẩng cao đầu sống và tự hào

Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn đã quyết tâm giúp đỡ các cô dâu qua dự án “Lớp trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc”, mỗi khóa 2 tuần, với sự hỗ trợ tài chính từ Samsung.Khóa học truyền thụ cho các cô dâu Việt cách nấu món ăn Hàn Quốc, học tiếng, học văn hóa, lễ nghi của quê chồng. Song do khả năng có hạn, mỗi tháng chỉ có 25 cô dâu Việt nhận được hỗ trợ từ chương trình này.

Người phụ nữ Việt Nam có những phẩm chất vô cùng đáng quý. Đâu dễ tìm được quốc gia mà hình tượng người phụ nữ đã đi vào lịch sử ngay từ những năm đầu công nguyên như Hai Bà Trưng của Việt Nam. Đó là lý do tôi đã đưa cả lịch sử Việt Nam vào giảng dạy tại khóa học này. Tôi muốn truyền đi thông điệp rằng: “Các em đang mang dòng máu anh hùng. Khi sang Hàn Quốc, các em hãy ngẩng cao đầu để sống và tự hào”.

Năm 2012, số cô dâu Việt sang sinh sống tại Hàn Quốc là 6.800 người (miền Bắc 2.400 người, miền Nam 4.400 người). Con số này giảm nhẹ so với 7.350 cô dâu Việt đến Hàn năm 2011 (miền Bắc 2.850 người, miền Nam 4.500 người).

Từ khi khai trương năm 2010 đến nay, “Lớp trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc” của Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn đã thực hiện 20 lớp giáo dục tiền hôn nhân, với tổng cộng 525 cô dâu Việt tham gia.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại