Xã Duy Phước nằm bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, mỗi năm có ít nhất 2-3 cơn lũ càn quét nơi này. Cứ vào mùa lũ là người dân lại cuống cuồng chạy lũ, có lúc lũ lên bất ngờ thì đành “bỏ của chạy lấy người”, nhà cửa, vật nuôi đều chìm trong biển nước.
Ông Nguyễn Tố (trưởng thôn Mỹ Phước) cho biết: “Thôn mình nằm gần sông Thu Bồn, nên năm nào cũng gặp lũ. Bây giờ người dân có kinh nghiệm hết rồi, ai giàu có thì bỏ tiền xây chuồng 2 tầng cho gia súc, còn khó khăn hơn thì đóng cái cụi để di dời gia súc lên vùng cao ráo”.
Đợt lũ kinh hoàng năm 1999 cuốn trôi hàng chục con heo đang chờ xuất chuồng khiến cho hộ bà Huỳnh Thị Khương (SN 1965, thôn Phước Mỹ) lâm vào cảnh nợ nần, điêu đứng. Sau trận lũ đó, bà Khương chắt chiu, vay mượn 60 triệu đồng xây dựng công trình 2 tầng để nuôi heo.
Hiện bà nuôi 50 heo lấy thịt. Vào mùa lụt, thay vì sơ tán đàn gia súc đến nơi cao ráo, bà đưa gia súc lên tầng 2 để tránh lũ, vừa tiện lợi, an toàn, lại không lo tổn thất vì số lượng. “Xây dựng thì tốn kém thật nhưng mình ở vùng rốn lũ thì phải học cách sống chung với lũ. Nhờ có công trình này nên đàn heo của tôi vẫn còn nguyên vẹn sau mùa lũ. Đến khi lũ rút thì mình vệ sinh chuồng rồi đưa chúng xuống lại” - bà Khương cho hay.
Hiện nay trên địa bàn xã Duy Phước có hơn 100 nhà cao tầng tránh lũ cho gia súc. Các công trình này tập trung ở các thôn ven sông Thu Bồn như Hà Nhuận, Mỹ Phước, Câu Lâu Tây và Câu Lâu Đông. Ông Lê Trung Ba - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phước cho biết: Từ khi có các công trình tránh lũ, chăn nuôi tại làng rốn lũ này phát triển rất mạnh. Bốn năm trở lại đây, tình trạng gia súc bị o ép giá, bán tháo, bán chạy trước mùa lũ không còn nữa, đời sống của các hộ chăn nuôi.