Mặc dù đã kiên quyết từ chối với thợ chụp hình, người mời vé số, các gánh hàng rong,… nhưng tôi vẫn bị một phụ nữ bán nhang trạc ngoài 40 tuổi, đeo bám từ miếu Bà Chúa Xứ núi Sam cho đến lăng Thoại Ngọc Hầu. Thấy tôi không đồng ý mua nhang, người phụ nữ này gợi ý: “Cậu có muốn đi xin xăm để xem vận mạng không? Trên này có chỗ cho xâm “Bà Lớn” linh lắm, có người giải xâm cho cậu luôn”. Tò mò, tôi quyết định theo chân người này.
Một “cò” bán nhang đang dẫn khách đi xem chỉ tay
Đó là một con đường nhỏ nằm bên phải lăng Thoại Ngọc Hầu dẫn lên đỉnh núi Sam. Hai bên đường, người ăn xin nằm ngồi la liệt để chờ bố thí. Vừa vượt qua đoạn dốc khoảng 300 m, người phụ nữ bán nhang dẫn tôi vào một căn nhà cấp 4 nằm dựa theo vách đá. Xung quanh không có dấu hiệu gì chứng tỏ đây là một ngôi chùa hay ám miếu. Ngay trước cửa nhà đã có hai thanh niên ngồi đón khách. Sau khi cố nài nỉ tôi mua bó nhang nhỏ xíu giá 10.000 đồng để cúng Bà, người phụ nữ đến nói nhỏ gì đó với một thanh niên rồi trở xuống núi.
Tôi được hướng dẫn “bò” theo chiếc cầu thang cũ kỹ để bước lên căn gác tạm. Chính giữa căn gác có thờ tượng “Bà Lớn” (vợ chánh của ông Thoại Ngọc Hầu) với khói hương nghi ngút, xung quanh là gần chục thanh niên, người nào cũng có hình xăm học vết sẹo trên cơ thể, hướng dẫn khách cúng lạy, rút xâm (ở đây không lắc xin xăm mà chỉ rút đại một cây xăm nào đó trong ống, có lẽ để… cho nhanh). Khách tự nhớ số xâm của mình rồi bước vào một chiếc bàn nhỏ để chờ “thầy” đến giải xăm.
Nơi đây có khoảng 6 chiếc bàn giải xăm cho khách. Tôi ngồi ở chiếc bàn nằm trong góc khuất của căn gác. “Thầy” cũng là một trong những thanh niên có hình xăm ở trên mình. Sau khi hỏi qua tuổi, nơi ở, “thầy” lật sổ dò theo số xâm rồi phán: “Anh tuổi Hợi gặp năm con Mèo cũng thuận làm ăn. Nếu siêng mua vé số có thể… trúng độc đắc. Tuy nhiên, vào tháng 3 và tháng 9 (âm lịch), anh sẽ dễ bị kẻ gian ganh ghét, hãm hại. Muốn “giải hạn” này, anh nên xin “lộc Phật” đem về để dưới gối nằm, đảm bảo tai qua nạn khỏi, may mắn cả năm”.
Sau khi cúng lạy, xin xâm, khách sẽ dễ dàng bị các “thầy” móc túi
Phán xong, “thầy” chỉ dẫn tôi đến núi “Thất Sơn” ở tận… Campuchia để gặp “sư phụ” của “thầy” xin “lộc Phật”. “Anh không biết đường qua đó đâu. Ở đây tôi cũng có cho “lộc Phật”. Anh không phải trả tiền, chỉ cần xuống chợ mua 9 dĩa trái cây, 21 bó nhang và 21 cặp đèn cầy lên cúng là được”, “thầy” chỉ dẫn.
Thấy tôi có vẻ ngần ngại, “thầy” tiếp tục: “Nếu anh tin tưởng có thể gởi tiền ở đây, tôi kêu đệ tử đi mua 9 đĩa trái cây. Một đĩa khoảng 40.000 – 50.000 đồng được rồi, còn đèn và nhang, chùa sẽ cúng dùm cho anh”. Tôi lấy lý do không đủ tiền rồi hẹn dịp khác sẽ mua đồ lễ lên cúng xin “lộc Phật”, đương nhiên phải gởi tiền công “giải xăm” hết 50.000 đồng.
Trong lúc ngồi trò chuyện, tôi thấy khách lên xin xăm đông nườm nượp. Rất nhiều người trong số đó bỏ ra vài trăm ngàn đến cả triệu đồng để gởi “chùa” mua đồ cúng xin “lộc Phật”, “lộc Bà” giải hạn. Một thanh niên tiết lộ với tôi: “Chùa này linh lắm, mỗi ngày có cả trăm khách đến xin xăm”.
Theo lời những người bán nhang, ở xung quanh lăng Thoại Ngọc Hầu còn khoảng 3 – 4 chỗ chuyên cho xin xăm, xem chỉ tay, bói lá bài… cho khách hành hương. Trong đó, có nhiều “thầy bà” rất nổi tiếng như: Cô Út, cô Sáu “Đồng Hạnh”, thầy Ba “Đen”… Tôi đến thử một vài nơi. Đó đều không phải là chùa hay tịnh xá mà chỉ là những ngôi nhà trên núi được dựng thêm bàn thờ Phật. Tuy nhiên, với sự đeo bám nhiệt tình của lực lượng “cò mồi” kiêm bán nhang, nhiều du khách vẫn bị rơi vào các “bẫy” mê tín dị đoan này.
Theo Đất Việt