Theo ông Lê Hồng Sơn, cán bộ phòng dịch tễ (trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa), thời gian gần đây trên địa bàn xuất hiện loại bệnh dại ở chó khiến 2 người chết, 8 người bị thương đang phải cấp cứu, điều trị tại bệnh viện.
Trường hợp tử vong thứ nhất là ông Vũ Văn Phúc (55 tuổi), trú xã Xuân Bình, huyện Như Xuân.
Ngày 24/12/2013, ông Phúc bị chó cắn vào chân, nghĩ đó là bình thường nên không đi tiêm phòng dại. Mãi đến ngày 23/1, gia đình thấy ông Phúc sốt, biểu hiện sợ nước, sợ gió nên đưa vào bệnh viện điều trị thì được bác sĩ chuẩn đoán ông bị bệnh dại, và ông Phúc đã chết sau đó hai ngày.
Trường hợp thứ hai vào ngày 22/1, cháu Dương Đình Ngọc Sơn (4 tuổi), trú thôn 4, xã Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa bị chó của nhà hàng xóm cắn vào vùng đầu.
Đến ngày 28/1, gia đình cháu Sơn mới đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Tuy nhiên, thời gian tiêm thuốc quá muộn nên đến ngày 8/2 cháu Sơn có biểu hiện giật mình, liên tục lên cơn sốt và nôn. Được người nhà đưa vào bệnh viện nhi Trung ương cấp cứu nhưng cháu đã chết ngay sau đó.
Còn 8 người bị thương do chó dại cắn, ban đầu cũng chủ quan xem đó là chuyện bình thường. Đến khi xuất hiện các chiệu chứng như sốt, co giật, sợ nước, gió… thì người thân mới đưa vào bệnh viện cấp cứu thì tất cả đều trong tình trạng nguy kịch.
Ông Lê Văn Luận, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa cho hay, bệnh dại là một trong những bệnh gây tử vong đứng đầu các bệnh truyền nhiễm.
Theo ông Luận, nguyên nhân dẫn đến dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trước hết là do tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại đạt quá thấp. Công tác thống kê đàn chó, mèo, một số địa phương làm qua loa dẫn đến tình trạng bỏ sót vật nuôi khi tổ chức tiêm phòng.
Sự thiếu qua tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp và ý thức của người dân quá kém cũng là nguyên nhân chính khiến dịch chó dại đang diễn biến ngày càng phức tạp.
"Để phòng, chống dịch trước mắt chúng tôi phối hợp với UBND các huyện, xã tổ chức tiêm phòng 100% đàn chó, mèo trong vùng dịch, nếu hộ dân nào chống đối kiên quyết giết chó và xử lý hành chính chủ hộ.
Trường hợp phát hiện chó, mèo ốm phải tổ chức tiêu hủy ngay lập tức. Đồng thời, tiêu độc khử trùng khu vực bị dịch", ông Luận nhấn mạnh.