Ngoài ra, Trung Quốc còn có tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nước này liên tục thay đổi chiến thuật tấn công. Trong mỗi chiến thuật mới lại là những cái bẫy nguy hiểm với lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh đó, có những chiến thuật cũng đã từng được Trung Quốc sử dụng trong tranh chấp với các quốc gia khác.
Áp dụng chiến thuật “ruồi bu” với Nhật Bản
Hàng trăm tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Hoàng Sa và về hướng giàn khoan Hải Dương 981 mà nước này đang hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Các tàu cá này không thực hiện việc đánh bắt mà đồng loạt tiến đến các tàu Việt Nam chừng một hải lý thì vây quanh tạo thành một vòng cung khép kín, khiến việc di chuyển của các tàu Việt Nam có phần khó khăn hơn những ngày trước. Tờ Tuổi Trẻ thông tin hôm 3/6.
Nguồn trên cũng dẫn lời thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, Hải đội trưởng Hải đội 201, Vùng 2 cảnh sát biển Việt Nam, nói rằng, khi đuổi theo kèm sát, tàu Trung Quốc luôn ở bên mạn trái tàu Việt Nam nhưng khi muốn đâm va, bao giờ tàu Trung Quốc cũng luồn sang mạn phải.
Đây là chiến thuật gài bẫy của tàu Trung Quốc.
Thiếu tá Đạt cũng lý giải, theo quy định của luật hàng hải quốc tế, tàu ở mạn trái có nghĩa vụ tránh đường cho tàu ở mạn phải hoạt động, nếu như đâm va thì tàu đang ở mạn trái sẽ vi phạm. Do đó, tàu Trung Quốc thường chủ động đâm vào mạn phải tàu Việt Nam để tạo những chứng cứ giả cho việc tàu họ bị thiệt hại.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm bình luận: “Sự xuất hiện nhiều tàu cá Trung Quốc là một sự thay đổi chiến thuật: Chiến thuật “ruồi bu”. Chiến thuật này nhằm bao vây, gây khó khăn cho tàu chấp pháp; dùng các tàu cá giả dạng để cho rằng ngư dân Trung Quốc đồng tình với nhà nước, biến tranh chấp chủ quyền thành vấn đề dân sự hòng thay đổi hình thức đấu tranh; nếu có va chạm thì lại vu vạ là tàu chấp pháp Việt Nam đâm tàu cá.
Chiến thuật này từng được Trung Quốc áp dụng trong việc tranh chấp với Nhật ở vùng đảo Senkaku”.
Được biết, quần đảo Senkaku, theo cách gọi của Nhật (còn gọi là quần đảo Điếu Ngư, theo cách gọi của người Trung Quốc) có 5 đảo nhỏ không có người ở và 3 đảo đá cằn cỗi. Quần đảo nằm trên biển Hoa Đông, cách xấp xỉ 120 hải lý về phía Đông Bắc Đài Loan, 200 hải lý về phía Đông Trung Quốc đại lục và cách 200 hải lý về phía Tây Nam đảo Okinawa của Nhật Bản. Senkaku/Điếu Ngư nằm ở vị trí được cho là có nhiều tiềm năng dầu lửa, thuận lợi về giao thông hàng hải, là một ngư trường hết sức phong phú.
Với những lập luận riêng, Nhật và Trung Quốc đã có tranh chấp về quần đảo này trong suốt nhiều năm qua. Cùng với đó là những đụng độ tại khu vực này. Từ tháng 9/2012, căng thẳng Trung Quốc - Nhật Bản leo thang, khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa những hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư.
Hồi tháng 4/2014, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn nguồn từ tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) cho biết, quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ điều các tàu cá đến bao vây Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Với số lượng nhiều, các tàu cá này sẽ gây cản trở tuần duyên Nhật Bản và lợi dụng sự mất cảnh giác của họ để đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong màu áo "ngư dân".
Phun vòi rồng vào ngư dân Philippines
Trong suốt thời gian hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, hành vi phun vòi rồng vào tàu của ta được nước này sử dụng nhiều “như cơm bữa”.
Theo đó, chiến thuật này trước đó đã được phía Trung Quốc áp dụng trong tranh chấp với Philippines tại bãi cạn Scarborough (Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham).
Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines hôm 24/2/2014 đã cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắn vòi rồng vào ngư dân Philippines nhằm đuổi họ khỏi bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa 2 nước trên Biển Đông. Sự việc xảy ra hôm 27/1/2014.
AFP dẫn lời tướng Emmanuel Bautista như sau: “Tàu tuần duyên của Trung Quốc đã cố gắng đẩy đuổi các tàu cá Philippines đến mức sử dụng cả vòi rồng”.
Được biết, bãi cạn Scarborough cách đất liền đảo Luzon (Philippines) 220km, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 650km. Hồi tháng 4/2012, sau vụ đụng độ tại đây, Phippines đã rút khỏi bãi cạn và Trung Quốc đã chiếm được khu vực này.
Bãi cạn Scarborough. (Ảnh: Phils Star)
Hôm 25/2, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã triệu Đại biện lâm thời của Trung Quốc tới để phản đối vụ Lực lượng Cảnh sát biển nước này sử dụng vòi rồng xua đuổi ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough trên Biển Đông hôm 27/1. Bộ này cho rằng, hai tàu cá Philippines đã bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc liên tục kéo còi và phun vòi rồng trong vài phút.
Ông Raul Hernandez, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định, năm 2013, chính quyền nước này đã nhận được khoảng 9 báo cáo về các vụ tàu Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines khi các tàu này tìm nơi trú ẩn tại bãi cạn Scarborough trong điều kiện thời tiết xấu. Ông này tái khẳng định, bãi cạn Scarborough là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Philippines và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.
Trước đó, ngày 22/1/2013, Philippines tuyên bố đã kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển (ITLOS) nhằm phản đối việc Bắc Kinh đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông. Thế nhưng, Trung Quốc đã từ chối tham dự vụ kiện của Philippines. Tuy nhiên, phiên tòa vẫn sẽ diễn ra vào năm 2015 và đưa ra phán quyết.
>> Xem thêm clip: Tàu thực thi pháp luật Việt Nam tiến gần giàn khoan Hải Dương 981
(Nguồn: VTV)
Tàu thực thi pháp luật Việt Nam tiến gần giàn khoan Hải Dương 981. Nguồn VTV
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA