Chiếc bánh chưng có kích thước 2,5mx2,5mx80cm, khối lượng nặng 5,7 tấn gói tại đền Quốc Mẫu Âu Cơ, xã Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là chiếc bánh chưng lớn nhất cả nước tới nay.
Ngôi đền cổ lập kỷ lục
Chiếc bánh chưng khổng lồ được làm từ 3 tấn gạo nếp, 3 tạ đỗ xanh, 6 tạ lá dong, 3 tạ lá chuối và 50 lít dầu ăn đã được các sư thầy đền Quốc Mẫu Âu Cơ và người dân xã Hùng Cường gói trong nhiều ngày qua.
Từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu dụng cụ gói bánh đều được người dân chuẩn bị từ nhiều ngày trước.
Đại đức Thích Minh Thông cho biết: “Để có bánh chưng cúng đúng dịp Giỗ Tổ, chúng tôi đã bắt đầu rửa lá từ ngày 27/3 âm lịch, sang ngày 28/3 đãi gạo và đậu xanh. Đến ngày 29/3 thì đặt lá vào khuôn và bắt đầu gói bánh”.
Chiếc bánh chưng khổng lồ đã được người dân nấu trong chiếc nồi có đường kính 12 mét vuông để đảm bảo bánh có thể chín đều từ trong ra ngoài.
Chiếc bánh chưng kỷ lục được Ban tổ chức lễ hội đền Quốc Mẫu Âu Cơ ở xã Hùng Cường, thành phố Hưng Yên khởi xướng nhằm dâng cúng quốc mẫu vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Công việc chuẩn bị được tiến hành từ ngày 28/2 âm lịch. Nguyên liệu để làm chiếc bánh gồm 3 tấn gạo nếp, 3 tạ đỗ xanh, 3 tạ đường, 6 tạ lá dong, 3 tạ lá chuối, 1 tạ lạt tre.
Lá dong được xếp trong chiếc thùng gỗ như hộp bánh hình vuông có cạnh 2,3m và cao 80cm. Bên ngoài là chiếc thùng sắt để luộc bánh hình vuông có cạnh 3m và cao 1,2m. Chỉ riêng chi phí cho 2 chiếc thùng này đã lên đến hơn 30 triệu đồng.
Gạo được đổ vào khuôn và cứ cao 10cm thì rải 1 lượt đỗ xanh trộn đường. Để đảm bảo đưa hơi nước vào giữa bánh, giúp bánh chín đều, những người chủ trì việc gói bánh đã nghĩ ra cách cắm các ống nứa vào giữa bánh.
Để phục vụ việc nấu bánh, Ban tổ chức đã mua 25m3 nước của Công ty nước sạch Hưng Yên. Chiếc bánh được nấu giữa sân đền Quốc Mẫu Âu Cơ.
Sau đúng 3 ngày 4 đêm bánh chín. Chiếc bánh nặng trên 5 tấn này được đưa vào vị trí trang trí long trọng trước sân đền.
Đền Quốc Mẫu Âu Cơ là ngôi đền cổ nhất Việt Nam. Ngôi đền thờ hai vị Đức Quốc Mẫu Âu Cơ và Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng vào năm 981. Tính đến nay đã hơn 1.000 năm nhưng ngôi đền vẫn còn nguyên vẹn và giữ được nét cổ kính hiếm có.
Sau 4 ngày 5 đêm với 400 nhân công cuối cùng chiếc bánh chưng nguyên khối trọng lượng 5, 7 tấn đã hoàn thành và được đưa vào vị trí trang trọng trước sân đền.
Nét đẹp văn hóa nhớ về cội nguồn
Hàng năm cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhân dân cả nước lại có những hành động thiết thực để bày tỏ lòng biết ơn đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đó là nét đẹp văn hóa “uống nước nhớ nguồn” được nhân dân ta gìn giữ hàng nghìn năm qua.
Trong không khí náo nức của ngày hội, cụ Nguyễn Thị Xoa (90 tuổi) bày tỏ cảm xúc của mình: “Tôi đã đưa các cháu nhỏ đến đây từ sáng sớm để nghe các sư thầy trong chùa giảng dạy về ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ và công ơn của các vị Vua Hùng. Đây là một dịp tốt để cho các cháu hiểu thêm về lịch sử cũng như truyền thống văn hóa của dân tộc”.
Ban tổ chức chia chiếc bánh chưng khổng lồ cho những người đến dự lễ.
Kể về nguồn gốc ngôi đền cổ kính, Đại đức Thích Minh Thông cho biết: Vào năm 981 vua Lê Đại Hành đi đánh giặc ngang qua đền. Khi đến cửa đền Hoàng Xá thì trời bỗng nổi cơn phong ba bão táp không thể đi được nữa. Nhà vua bèn truyền lệnh cho các quân lên đền trú tạm. Vào buổi trưa khi đang nằm nghỉ, vua Lê Đại Hành được Quốc Mẫu Âu Cơ về báo mộng ngày mai người sẽ cho quần thần cùng nhà vua đi đánh đuổi giặc Tống. Sáng hôm sau, có 24 chàng trai tướng mạo khác thường xuất hiện xin cùng vua đi tình nguyện đánh giặc. Khi đánh thắng giặc trở về, 24 chàng trai đã hóa thân lên trời. Vua thấy có điều kỳ lạ rất linh ứng nên đã quay lại và cho xây dựng ngôi đền để tạ ơn Mẫu Tổ Âu Cơ.
Từ đó, cứ vào dịp Giỗ Tổ hàng năm nhân dân địa phương tụ hội về đây vui mở lễ hội truyền thống hướng về cội nguồn dân tộc để tưởng nhớ công ơn to lớn của các bậc thánh nhân.