"Chỉ đạo của Thủ tướng là cú hích để quan chức dùng MXH hiệu quả"

Hoàng Đan |

Ông Cần cho rằng, việc Thủ tướng nói về mạng xã hội thể hiện quan điểm và cách làm, cách tiếp cận mới trong quản lí thông tin, mang tính thực tế rất cao.

Chỉ đạo của Thủ tướng mang tính thực tế cao

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 15/1 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng, hiện nay có hàng chục triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội và đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm được.

“Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin.

Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt hơn trong năm nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xung quanh chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Phạm Xuân Cần, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, một người thường xuyên sử dụng Facebook cho rằng, đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn của người đứng đầu Chính phủ.

Ông Phạm Xuân Cần.
Ông Phạm Xuân Cần.

Theo ông Cần, trong thế giới hiện nay thông tin là không thể, không nên và không cần bưng bít hay áp đặt.

Hầu như càng bị ngăn cấm thì các thông tin "ngoài luồng" càng khơi gợi người ta tìm kiếm.

"Trong bối cảnh đó, ý kiến của Thủ tướng được đánh giá cao. Đó là quan điểm và cách làm thể hiện một cách tiếp cận mới trong quản lí thông tin, mang tính thực tế cao", ông Cần nói.

Cũng theo ông Cần, bất kì chế độ nào thì Nhà nước cũng có nhu cầu đưa thông tin chính thức đến người dân, để một mặt đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin, quyền giám sát Nhà nước của người dân.

Đồng thời hỗ trợ tích cực cho hoat động quản lý xã hội của chính quyền.

Cùng quan điểm, thầy giáo Trần Đình Trợ, giáo viên trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh), một người đã tham gia Facebook 5 năm cũng bày tỏ, yêu cầu cốt tử của thông tin là phải đúng và kịp thời.

Thầy giáo Trần Đình Trợ  là giáo viên môn Toán (Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Thầy Trợ là giáo viên có 20 năm là giáo viên dạy giỏi và 5 lần chấm thi giáo thi dạy giỏi cấp tỉnh.

Đồng thời, thầy Trợ cũng được biết đến với một khảo sát về xã hội học thực hiện ở học sinh lớp 12 vào năm 2014 với hơn 150.000 lượt đọc và 9.200 lượt chia sẻ trên Facebook, cùng với hơn 200 phản hồi của bạn đọc.

Đồng thời, các thông tin sai cần được đập tan bởi các thông tin chính xác. Chỉ có những người đưa thông tin sai, và nếu nó gây hậu quả, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Hầu hết người tham gia mạng xã hội ít khi quan tâm đến những tin “rác”, mà thông thường, họ biết chọn lọc những thông tin hữu ích.

Và nhận thức của người đọc đang dần được nâng lên theo chất lượng các trang mạng xã hội.

Nước ta có một nguồn nhân lực làm công tác truyền thông rất hùng hậu. Nếu tất cả nguồn lực đó được sử dụng mạng xã hội làm phương tiện tác nghiệp, thì hiệu quả đưa lại sẽ vô cùng lớn", thầy giáo Trợ đánh giá.

Theo thầy giáo Trợ, thực tế, những năm gần đây, mạng xã hội, mà điển hình là Facebook, đã trở thành một hình thức truyền thông ở nước ta.

Con số thống kê cho thấy, khoảng một nửa dân số nước ta đã sử dụng mạng xã hội.

Thầy giáo Trần Đình Trợ.
Thầy giáo Trần Đình Trợ.

Nhiều triệu người đã coi đó như một nơi cập nhật tin tức đến từng phút, thậm chí từng giây và ở đó mọi người đọc đều có thể là người viết.

Vì vậy, chỉ đạo này của Thủ tướng cho thấy một bước tiến dài của cả hai phía.

"Thứ nhất là bước tiến dài về chất của các trang mạng xã hội.

Trên mạng xã hội, tất nhiên vẫn có nhiều tin rác, tin sai lạc, tin nhảm hoặc các luận điệu xuyên tạc. Nhưng ngày càng xuất hiện nhiều trang có thông tin chính xác, kịp thời và có tính xây dựng. Chính vì vậy, mạng xã hội lôi cuốn người đọc ngày càng mạnh mẽ.

Thứ hai, là bước tiến dài về nhận thức của các quan chức Chính phủ nước ta. Từ chỗ thờ ơ, hiện nay những cán bộ nhà nước tham gia mạng xã hội ngày càng nhiều", thầy giáo Trợ cho biết thêm.

Bên cạnh đó, thầy giáo Trợ cũng nhấn mạnh, chỉ đạo trên của Thủ tướng sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến của Chính phủ trong việc thực hiện quyền được cung cấp thông tin của người dân.

Cú hích cho sự thay đổi

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Phạm Xuân Cần cho rằng:

"Chính phủ cũng cần và nên sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông để đưa thông tin đến người dân, kể cả mạng xã hội. Tận dụng những ưu thế nổi trội của mạng xã hội là một cách làm khôn ngoan.

Tôi mong rằng từ ý kiến mang tính quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, môi trường thông tin của chúng ta sẽ ngày càng minh bạch, lành mạnh và dân chủ hơn".

Còn theo thầy giáo Trợ, ở các nước như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Úc hay Hàn Quốc... các chính trị gia đều dùng mạng xã hội.

"Họ dùng mạng xã hội như là một phương tiện để hòa mình với dân chúng. Tôi tin rằng, họ trực tiếp “chat” trên mạng, mà không cần qua “thư kí” nào", thầy Trợ chia sẻ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo ông Trợ, dù cá nhân ông, cũng có nhiều bạn bè hay học trò cũ, hiện nay là quan chức nhưng họ ít hoặc không tham gia mạng xã hội, thậm chí, khi nói chuyện họ còn khuyên người khác không nên dùng.

"Họ đưa ra nhiều lý do khác nhau nhưng tôi tin rằng, xã hội ta sẽ ngày càng minh bạch và bình đẳng hơn.

Chỉ đạo mới của Thủ tướng sẽ là cú hích quan trọng để số quan chức dùng mạng xã hội một cách hiệu quả sẽ ngày càng nhiều hơn", thầy Trợ bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại