Ngay sau khi có thông tin về việc chuyển địa điểm chợ tạm ra chợ Hội Đô, nằm ở phía Tây Nam Cường (TP Hải Dương), cách TTTM Hải Dương khoảng 6 km, hàng trăm tiểu thương đã làm đơn, kéo nhau lên trụ sở UBND tỉnh Hải Dương đề nghị thay đổi phương án.
Về phía UBND tỉnh Hải Dương cũng chưa chốt với đề nghị của tiểu thương tại Quảng trường Thống Nhất.
Hàng trăm tiểu thương phản đối việc cho lập chợ tạm ở khu vực chợ Hội Đô hiện nay
Vì thế, nhiều ngày nay, hàng trăm tiểu thương đã kéo nhau đến UBND tỉnh Hải Dương để phản đối việc cho thành lập chợ tạm tại khu vực chợ Hội Đô. Các tiểu thương cho rằng, việc làm đó chỉ để giải quyết việc có nơi buôn bán, nhưng hiệu quả buôn bán không cao, vì vị trí đó là nơi ít người qua lại.
Trao đổi nhanh với PV, một tiểu thương chia sẻ: "Chúng tôi đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế rồi, nay muốn gần trung tâm, đông người để buôn bán thuận lợi hơn, kiến chút tiền sống qua ngày, nhưng chuyển chợ ra vị trí xa thì bán cho ai?
Chúng tôi tha thiết mong lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương xem xét đề nghị của mấy trăm tiểu thương đã mất hết tài sản điều chỉnh lại cho bà con được làm lại từ đầu tại nơi có khách mua. Nếu chuyển chợ tạm đến nơi không người thì buôn bán thế nào được?".
Theo thông tin từ ngân hàng Sacombank, hơn 60 hộ bị thiệt hại trong vụ cháy tại TTTM Hải Dương có vay vốn của ngân hàng đã được ngân hàng mua bảo hiểm cháy nổ từ trước. Và toàn bộ số tài sản định giá cho vay sẽ được bên bảo hiểm trực tiếp trả thay cho các tiểu thương.
Theo đại diện phía ngân hàng Sacombank cho hay: "Đối với các ngân hàng khác thì các tiểu thương vay vốn vẫn phải có trách nhiệm trả các khoản nợ, nhưng họ sẽ được giãn thời gian trả. Nhưng riêng gần 60 hộ tiểu thương vay vốn của Sacombank sẽ không phải trả khoản vay vì ngân hàng đã mua bảo hiểm cho họ từ trước".
Nhiều tiểu thương trong vụ cháy TTTM Hải Dương đã được ngân hàng mua bảo hiểm cháy nổ
Tuy nhiên, không phải toàn bộ số hàng bị thiệt hại sẽ nhận được bảo hiểm. Theo phía ngân hàng cho biết, trong quá trình vay vốn, các tiểu thương sẽ mang hợp đồng gian hàng ra vay, và phía ngân hàng sẽ định giá quyền sử dụng sạp.
Tùy giá trị gian hàng, họ sẽ được cho vay với các gói khác nhau. Với nhưng gian lớn, nằm ở vị trí đẹp, theo định giá từ 400 – 500 triệu đồng, họ sẽ được vay hơn 200 triệu đồng. Ít hơn thì được vay từ 100 – 150 triệu đồng. Và số vay này, các tiểu thương sẽ được bảo hiểm thanh toán.
Cũng theo đại diện phía ngân hàng Sacombank, việc ngân hàng mua bảo hiểm cho các gói vay này, nhiều tiểu thương không hề hay biết. Đến khi chúng tôi thông báo cho các tiểu thương không phải trả những khoản vay này, họ mới ngớ người vì ngân hàng đã mua sau mỗi lần vay vốn.