Vụ cháy lớn tại TTTM Hải Dương cho đến hiện tại về cơ bản đã được dập tắt hoàn toàn với hậu quả xảy ra được nhận định là vô cùng khủng khiếp: 500 tỷ đồng phút chốc ra tro, 500 tiểu thương lâm cảnh nợ nần, tay trắng.
Trước sự cố đó, trong buổi họp khẩn vào chiều 15/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho hay, vụ cháy không gây thiệt hại về người song tài sản thiệt hại ước tính lên tới 500 tỷ đồng, trong đó khoảng 100 tỷ là cơ sở vật chất, số còn lại là tài sản của các hộ kinh doanh.
Cũng trong buổi họp này, ông Hiển đã yêu cầu các đơn vị lên ngay phương án tháo dỡ toàn bộ tòa nhà, hoàn tất chợ tạm trong vòng 3 tháng với kinh phí dự kiến 20 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, ngày 16/9, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã tới hiện trường vụ cháy và đánh giá tòa nhà Trung tâm thương mại đang trong tình trạng nguy hiểm có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Sau khi xem xét thực tế tình hình, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng Lê Quang Hùng cho biết sẽ sớm có ý kiến tới Sở Xây dựng Hải Dương về việc phá dỡ tòa nhà bởi đây là việc khẩn cấp.
Hiện trường TTTM Hải Dương sau vụ hỏa hoạn (Nguồn: Tuổi Trẻ)
Trước thông tin đó, rất nhiều người dân bày tỏ thắc mắc về quyết định này, họ cho rằng nên tận dụng phần còn lại của tòa nhà để tiết kiệm chi phí xây dựng. Nhiều câu hỏi tương tự cũng đã được gửi vào đường dây nóng của chúng tôi.
Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Thạc sĩ Phan Minh Tuấn – giảng viên bộ môn công trình bê tông cốt thép, trường Đại học Xây Dựng Hà Nội.
Theo lời thầy Tuấn, dưới sức nóng của ngọn lửa lớn và dai dẳng tại TTTM Hải Dương, tòa nhà sụp đổ là điều tất yếu: “Tôi cho rằng khu vực phía tây bắc bị sụp đổ trước là bởi nơi này tập trung khá nhiều cốt thép. Trong kết cấu bê tông cốt thép, thép là vật liệu rất nhanh bị biến đổi dưới tác dụng của lực. Mặc dù có bê tông ở bên ngoài phủ, nhưng đến một giới hạn trên 500oC thì điều này không còn tác dụng nữa. Khi thép bị chảy ra, sẽ kéo cả khối bê tông bị sụp đổ theo”.
Đánh giá quyết định cần phải đập mới để xây lại TTTM, vị giảng viên trường đại học danh tiếng này khẳng định, đó là một quyết định đúng đắn: “Vụ cháy chợ Đồng Xuân năm 1994 là một ví dụ. Mặc dù bên ngoài nhìn vào thì tưởng vẫn chắc chắn nhưng vẫn phải đập đi xây mới lại. Trường hợp này cũng vậy, bê tông cốt thép dưới tác dụng của lửa đã bị biến đổi rất nhiều, lúc ấy sức chịu nén của bê tông cũng như chịu kéo của thép đã giảm gần như toàn bộ, tòa nhà sẽ đổ sập bất cứ lúc nào. Do đó, phương án phá bỏ rồi xây mới là đúng đắn”.
* Mời độc giả theo dõi tiếp tin tức liên quan tới các vụ hỏa hoạn.