Về vụ cháy chợ Phố Hiến đêm 19, rạng sáng 20/3, nhiều người dân sinh sống xung quanh chợ phố Hiến cũng như hàng trăm tiểu thương đều bức xúc cho rằng xe cứu hoả đã đến quá muộn khiến ngọn lửa có cơ hội hoành hành, lan rộng; các vòi nước dự trữ cứu hoả cạnh chợ đều... không có nước.
Trả lời PV, ông Đào Hữu Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết khi nhận được thông tin về vụ cháy Công an Hưng Yên đã huy động tất cả các lực lượng để chữa cháy. Còn các ý kiến của người dân sẽ được tiếp nhận, kiểm tra để điều tra nguyên nhân vụ cháy, cũng như trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Hiện tại, đám cháy đã được dập tắt, thiệt hại chính xác chưa được thống kê song chắc chắn là rất lớn. Nhiều tiểu thương bị cháy sạch tất cả hàng hóa. Vấn đề mà các tiểu thương cũng như nhiều người quan tâm lúc này là: vì sao cháy chợ? ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho vụ cháy này? ai sẽ phải đứng ra lo vấn đề bồi thường những người bị thiệt hại?
Hiện trường cháy Chợ Phố Hiến (ảnh VT)
Để tìm hiểu việc điều tra, và trách nhiệm của các cơ quan như thế nào, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Luật sư điều hành Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Thưa luật sư, nhìn từ vụ cháy chợ Phố Hiến cần phải xem xét trách nhiệm các phía như thế nào?
Về trách nhiệm từ góc độ quản lý nhà nước, theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn xã hội. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.
Luật cũng quy định lực lượng phòng cháy, chữa cháy gồm: Lực lượng dân phòng; Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở; Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật; Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Trong trường hợp cụ thể, cháy chợ Phố Hiến, thì sao, thưa luật sư?
Trong trường hợp cụ thể này, trách nhiệm tổ chức bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy trong chợ thuộc về người đứng đầu Ban quản lý chợ hoặc Doanh nghiệp quản lý kinh doanh và khai thác chợ. Ngoài ra, cũng cần xem xét trách nhiệm của Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã làm hết trách nhiệm của mình chưa, trong việc: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; Thực hiện các biện pháp phòng cháy; chữa cháy kịp thời khi có cháy xảy ra; Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Nếu có cơ sở xác định người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nói trên thiếu trách nhiệm trong công tác tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện hoạt động phòng cháy và chữa cháy, thực hiện nhiệm vụ chữa cháy để gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, trách nhiệm của các cơ quan, những người đứng đầu cơ quan có liên quan như thế nào, trong vụ cháy này?
Theo báo chí phản ánh, cho thấy, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức liên quan đến trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy đã không làm hết trách nhiệm của mình, và để lại hậu quả như vậy là hết sức nghiêm trọng. Nên có cơ sở để xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đó theo quy định của pháp luật. Theo đó hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 285 Bộ luật Hình sự và hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại điều 240 Bộ luật Hình sự sẽ được xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo tôi, trước hết, cơ quan cảnh sát điều tra cần ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để tiến hành điều tra.
Đến nay, việc điều tra nguyên nhân còn tiếp tục, nhưng theo luật sư, ai sẽ bồi thường cho các nạn nhân vụ cháy này?
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tùy theo kết quả điều tra, cần phải xác định nguyên nhân gây ra vụ cháy này có phải là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay không, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Theo đó, Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra, và cũng phải bồi thường ngay cả khi mình không có lỗi ngoại trừ: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Xin cảm ơn luật sư!