"Bà con quý và thương Lớ lắm!"
Câu chuyện về chàng trai Triệu Lao Lớ (xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) không mặc quần đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Trao đổi với phóng viên, ông Ph-ng Chang Nu, Phó chủ tịch xã Hồ Thầu khẳng định đây là câu chuyện có thật và quá quen thuộc với người dân trong xã.
Ông Nu cho biết, Triệu Lao Lớ sinh năm 1993, là con thứ 2 trong gia đình có 3 người con. Bố Triệu Lao Lớ là anh Triệu Chàn Chiêng, sinh năm 1972. Điều kiện kinh tế của gia đình Lớ ở bậc trung bình trong địa phương
Ngoài thói quen kỳ dị không mặc quần, theo ông Nu, Lớ hưởng khuôn mặt khá bảnh bao, tâm sinh lý phát triển hoàn toàn bình thường. Lớ đã không mặc quần khoảng 20 năm nay nên người dân trong địa phương cũng đã “quen mắt” với chuyện này. Hàng ngày Lớ vẫn đi làm nương, bốc vác, chạy xe đi chợ mua đồ với thái độ rất bình thản, tự nhiên. Lớ chạy thạo xe máy nhưng chỉ dùng làm phương tiện đi lại của bản thân và gia đình nhưng không làm nghề chạy xe ôm như một số thông tin đã được đăng tải.
“Nếu chỉ nhìn thấy cậu ấy thì nhiều nghĩ là có vấn đề về thần kinh nhưng không phải thế. Lớ nói năng, giao tiếp nhanh nhẹn, hoạt bát, nhiều khi đối đáp còn lanh lợi hơn người khác. Nhiều người trong thôn tiếc thay nếu không có thói quen kỳ quặc kia thì có lẽ cậu ấy sẽ thành đạt, ít nhất cũng được như anh trai và có vợ, con rồi. Mọi người giao tiếp với Lớ bình thường, không hề có sự phân biệt đối xử. Những dịp làng có việc gì mọi người vẫn xếp Lớ ngồi cùng mân ăn bình thường. Nói chung, bà con quý và thương Lớ lắm”, ông Nu nói.
Nói về nguyên nhân khiến Lớ đến nông nỗi này, ông Nu cho biết từ lúc sinh ra Lớ hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, năm 5-6 tuổi, sau một lần ốm hôn mê bất tỉnh thì Lớ thành ra như vậy chứ không phải do bị sâu róm chui vào quần làm mẩn ngứa khiến Lớ sợ mặc quần.
“Năm đó, Lớ ốm nặng đến nỗi gia đình đã phải nghĩ đến chuyện lo hậu sự, thậm chí người nhà đã mặc quần áo của người âm cho rồi. Thế nhưng, bất ngờ cậu ấy tỉnh lại và thấy đau lòng quá nên cởi hết quần áo ra. Và từ đấy, Lớ không mặc quần. Sau này, có lần gia đình bắt Lớ mặc thì cậu ấy lại lăn ra ốm nên gia đình cũng không dám ép nữa. Cậu ấy cũng tuyên bố là nếu mặc quần là sẽ ốm chết. Chuyện của cậu ấy quả là khó lý giải”, ông Nu kể.
Khó có ai chia sẻ được với nỗi khổ của Lớ
Cũng theo ông Nu, chính quyền địa phương nhiều lần cũng đến nói chuyện và cũng muốn khuyên gia đình đưa Lớ đi gặp các chuyên gia tâm lý để được tư vấn nhưng vì điều kiện gia đình cũng hạn chế nên đến bây giờ vẫn không có sự can thiệp gì. Sau lần Lớ bị ốm lại vì bị ép mặc quần, gia đình không dám ép Lớ lần nữa. Người ngoài cũng không dám khuyên gì. Trong nhiều lần nói chuyện, gia đình cũng như bản thân Lớ đã chia sẻ với ông Nu những mong muốn giản dị nhưng lại là chuyện khó với chàng trai này.
“Bố mẹ và bản thân cậu ấy khổ tâm vì cái thói quen kỳ quặc kia lắm. Ở tuổi của Lớ, các trai trong làng lấy vợ, có con cả rồi. Làm bố mẹ ai chả mong con cái thành đạt, được gả vợ cho con. Trong tâm cậu ấy cũng đầy ắp mơ ước về một gia đình nhỏ hạnh phúc như các bạn đồng lứa. Thế nhưng, với cái bề ngoài ăn mặc như thế, hầu hết các cô gái ở tuổi xuân thì đều thấy ngại, không dám tiếp xúc và khó có ai chia sẻ được với nỗi khổ của cậu ấy ”, ông Nu nói.
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Nu cũng chia sẻ mong muốn các tổ chức các tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu khoa học sau khi nghe chuyện của Lớ thì chung tay giúp đỡ cậu ấy từ bỏ được thói quen “không mặc quần” mà vẫn khỏe mạnh và thực hiện được những điều mà Lớ đáng được hưởng.
Chúng tôi sẽ liên hệ với một số nhà nghiên cứu tâm lý để giải mã thói quen không mặc quần của Triệu Lao Lớ dưới góc nhìn khoa học để gửi tới bạn đọc ở kỳ tới.