Là một trong 123 thủ khoa xuất sắc nhất của Thủ đô năm 2013 được vinh danh, Lê Thái Sơn (K54A khoa Quản lý Tài nguyên Rừng và Môi trường, ĐH Lâm Nghiệp) tốt nghiệp xuất sắc với điểm tổng kết 9,17/10 (3,9/4).
Quyết tâm đỗ thủ khoa “kép”
Là người theo khối A, Lê Thái Sơn (Thị trấn Xuân Mai, Hà Nội) bất ngờ khi nhận được thông tin đỗ thủ khoa ĐH Lâm Nghiệp (khối B) năm 2009. Sơn đỗ cả Trường ĐH Bách khoa nhưng nhận được sự tư vấn của họ hàng, bạn bè, Sơn quyết tâm thay đổi ước mơ từ chàng Bách khoa sang việc học chuyên ngành về Tài nguyên rừng.
“Sát ngày nhập học em mới quyết định sẽ học ĐH Lâm Nghiệp. Giờ cảm thấy may mắn và không hề hối tiếc khi chọn Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường”, Sơn cho biết.
Lê Thái Sơn là một trong thủ khoa xuất sắc nhất của thủ đô năm 2013. Sơn vừa là thủ khoa đầu vào và đầu ra ĐH Lâm Nghiệp.
Cái ngày được vinh danh thủ khoa tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, nghe những chia sẻ kinh nghiệm của anh chị thủ khoa đầu vào, đầu ra, Sơn quyết tâm, tự nhủ bản thân cố gắng thủ khoa “kép” khi ra trường.
Vì vậy, trong suốt 4 năm học đại học, Sơn luôn là học sinh dẫn đầu trường về kết quả học tập, là sinh viên xuất sắc và nhận được nhiều bằng khen của hiệu trưởng Trường ĐH Lâm Nghiệp.
Chia sẻ bí quyết đạt thành tích đó, Sơn thật thà nói: “Em học không nhiều, em không phải là mọt sách và cũng không hề có trí nhớ siêu việt. Trong kỳ học bình thường, trung bình em chỉ học 2 tiếng/ ngày, thời gian còn lại em dành cho bóng đá và nghiên cứu khoa học. Em cần thời gian để nhét kiến thức vào đầu và không phải cái gì cũng nhớ vào đầu, những gì không thích sẽ quên ngay”.
“Môi trường đại học giúp em làm chủ mình hơn, phát huy khả năng tự học và đam mê theo sở thích của mình mà không bị gò ép. Quan trọng là có phương pháp học tập phù hợp với bản thân mình nhất và có sức khỏe để tránh cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng…”.
Chàng trai của bóng đá và nghiên cứu khoa học
Phần lớn thời gian Sơn giành để nghiên cứu khoa học, chơi bóng đá và tham gia tình nguyện. Còn facebook, những ‘trò chơi’ của sinh viên, Sơn có “chơi”, có thử nhưng không mê.
Quan điểm của Sơn là: “Nếu chỉ có học không, bạn sẽ mất nửa đời sinh viên”.
Ngoài thời gian học, Sơn tham gia đá bóng của trường. Đối với chàng trai mảnh khảnh này, bóng đá là niềm đam mê không thể thiếu.
Bộc bạch về sở thích bóng đá không thể thiếu trong cuộc sống, Sơn kể, lúc 5 tuổi, Sơn được cùng bố ra sân bóng để làm quen với trái bóng. Khi học lớp 4, không may Sơn bị chấn thương chân trái và phải phẫu thuật. Sau 1 năm hồi phục, đam mê với trái bóng đã giúp cậu trở lại, cậu coi bóng đá là phần quan trọng.
Bản thân Sơn giành nhiều thành tích bóng đá như trở thành cầu thủ xuất sắc nhất, vua phá lưới của trường hay đại diện trường tham gia giải bóng đá sinh viên toàn quốc…
Ngay từ năm thứ nhất, Sơn giành giải nhất cuộc thi “Olympic Thanh niên Quốc tế về Lâm nghiệp lần thứ 7” của Bộ Nông nghiệp Liên Bang Nga tổ chức tại Mátxcơva và được hai trường ĐH bên Nga mời sang học, nhưng Sơn đều từ chối.
Không dừng lại ở đó, Sơn tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu khoa học và năm 2011, Sơn giành giải nhì cuộc thi “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2011” dành cho sinh viên do Bộ GDĐT tổ chức. Cũng cuộc thi đó, đến năm 2012, Sơn dành được giải Nhất với đề tài về ứng dụng kỹ thuật ảnh vệ tinh vào quản lý tài nguyên rừng.
‘Thất nghiệp’ không xuất hiện trong đầu
Khi hỏi có sợ thất nghiệp khi ra trường không, Sơn cười nói rằng: “Thất nghiệp chưa bao giờ xuất hiện trong đầu, em chỉ nghĩ mình làm được điều mình thích. Trong suy nghĩ của em chỉ có học tiếp, nghiên cứu khoa học. Nếu nghĩ nhiều sẽ khiến ‘thất nghiệp’ trở thành gánh nặng của nhiều bạn.
Em không quan tâm lắm đến chính sách đãi ngộ thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc được tuyển thẳng vào cơ quan nhà nước. Bởi hướng của em là ở lại trường làm nghiên cứu”.
Lê Thái Sơn - chàng trai tài năng giành được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học ngay khi còn là sinh viên.
Nhận thức được việc tình trạng ‘thừa thầy thiếu thợ’, trường đại học ‘nặng lý thuyết’ nên chàng trai năng động, tài năng ấy luôn nghĩ rằng làm thế nào trau dồi được kinh nghiệm, rèn luyện khả năng tư duy, kỹ năng sống chứ không đâm đầu quá nhiều vào sách vở.
Vì vậy, khi còn đang ngồi trên giảng đường, Sơn đã đi thực địa ở nhiều nơi như Lào Cai, Hà Tĩnh…trong khoảng thời gian dài 1, 2 tuần, thậm chí là hàng tháng.
Sơn khẳng định, không phải học Lâm Nghiệp là cứ phải vào rừng làm mà ngành Quản lý rừng và Tài nguyên môi trường mà cậu đang học rất đa dạng, có thể làm việc trong viện nghiên cứu, trong nhà máy, khu công nghiệp để quy hoạch…
Trong thời gian tới, chàng trai thủ khoa “kép” Lê Thái Sơn có nguyện vọng sẽ tiếp tục đi sâu về mảng ứng dụng ảnh vệ tinh để quản lý tài nguyên rừng. Sơn cũng cho biết, hiện cậu đang học tiếng Anh để theo đuổi ước mơ của mình là được học cao học tại Mỹ .
Được biết, ngày 15/9 tới, Sơn sẽ sang Nhật 5 tuần theo lời mời của trường ĐH Kỹ thuật và Nông nghiệp Tokyo, Nhật Bản (TUAT) trong chương trình trao đổi sinh viên.