Chàng sinh viên đồng tính và câu chuyện công khai xu hướng tính dục

Thiên Di |

(Soha.vn) - Đó là tâm sự của chàng gay 9X Nguyễn Trần Đại Hải - sinh viên năm 3 ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về quá trình công khai và sống đúng với xu hướng tính dục thật của mình.

Nguyễn Trần Đại Hải – là một người đồng tính nam, sinh năm 1992. Đang là sinh viên năm 3 Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, cậu còn làm việc trong Ban điều phối của Trung tâm ICS - Tổ chức thúc đẩy và bảo vệ Quyền LGBT Việt Nam. Bên cạnh đó Hải còn là một trong những người tổ chức sự kiện “Yêu là cưới” - đám cưới đồng tính tập thể đình đám tại Hà Nội thời gian vừa qua.

Đối với mỗi người đồng tính, song tính, chuyển giới (người LGBT) thì việc công khai xu hướng tính dục thật của mình là quá trình khó khăn, lâu dài. Rất ít người dám công khai bởi họ phải đối mặt với sự ruồng bỏ từ chính gia đình, xa lánh từ bạn bè, dị nghị từ hàng xóm, sự kỳ thị từ xã hội…

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Trần Đại Hải - chàng đồng tính công khai 6 năm nay và lắng nghe câu chuyện “Tôi đã công khai như thế nào” để có cái nhìn đa chiều, hiểu hơn về người LGBT.

Nguyễn Trần Đại Hải (phải) - chàng sinh viên

Nguyễn Trần Đại Hải (phải) - chàng sinh viên "gay" dũng cảm công khai giới tính.

Niềm tin vào bản thân

PV: Xin chào bạn! Bạn phát hiện ra xu hướng tính dục thật của mình từ khi nào?

Nguyễn Trần Đại Hải: Khi mình học lớp 7, lớp 8. Đến tuổi dậy thì, mình thấy có cảm xúc với con trai và mình lờ mờ nhận ra điều ấy. Đến lớp 9, mình chính thức biết mình là người như thế nào.

PV: Bạn có thấy sốc?

Nguyễn Trần Đại Hải: Mình rất hoang mang bởi sau khi lên mạng tìm hiểu, mình chỉ thấy thông tin đồng tính giết người, mại dâm đồng tính chứ không thấy tin tích cực. Mình rất sợ vì sao mình lại thành những người như thế này!

PV: Sau đó cuộc sống bạn sống ra sao?

Nguyễn Trần Đại Hải: Khi tìm hiểu sâu hơn, làm quen với cộng đồng trong tổ chức về LGBT. Được gặp những người giống như mình, được chia sẻ, mình mở rộng mối quan hệ hơn và suy nghĩ tích cực hơn: Đồng tính có người nọ người kia nhưng không phải là tất cả. Nhiều bạn LGBT rất giỏi, có nhiều người ngưỡng mộ. Điều đó củng cố niềm tin rằng xu hướng tính dục của mình không sao, không sai trái.

PV: Quá trình công khai xu hướng tính dục thật của bạn như thế nào?

Nguyễn Trần Đại Hải: Quá trình công khai là quá trình rất dài.

Thời điểm ban đầu chưa dám công khai, bố mình buông câu nói: “Xã hội bây giờ ngày càng bệnh hoạn, đua đòi” khi thấy tin đồng tính trên báo đài. Mình “chột dạ” trong lòng, sau đó mình đưa cho bố nhiều bài báo, thông tin về người đồng tính.

Hơn nữa, khi tham gia hoạt động ở trung tâm ICS, mình thường xuyên chia sẻ với bố những câu chuyện khó khăn, bất công của những người LGBT phải chịu và về công việc mình đang làm.

Một ngày, người cô họ thấy mình trên ti vi ở sự kiện người đồng tính, bố có hỏi nhưng mình lắc đầu chối tỉnh bơ. Thật bất ngờ khi bố mình nói: “Tao không nghĩ mày là đồng tính đâu, mà nếu có thì cũng chẳng sao”. Nghe thấy câu nói đó, Hải giật mình vì quá trình tác động có hiệu quả và mình có thêm niềm tin.

Đại Hải (trái) tham gia  hoạt động của người LGBT. (ảnh do nhân vật cung cấp).

Đại Hải (trái) tham gia hoạt động của người LGBT. (ảnh do nhân vật cung cấp).

PV: Vậy sau đó bố bạn đã phản ứng như thế nào khi bạn công khai?

Nguyễn Trần Đại Hải: Mình đã công khai vào ban đêm khi thấy bố nằm ngủ quên trên giường của mình. Mình và bố đã nói chuyện từ 3 giờ đến 5 giờ sáng.

“Con có chuyện này nói với ba, con nghĩ ba có quyền được biết. Con là người đồng tính và con thích con trai”. Sau khi mình nói xong, mình biết bố rất buồn. Nhưng bố nói: “Không được như vậy thì phải chịu. Bố thấy có lỗi vì không biết được sớm hơn, nếu biết đã không ép con làm những việc con không thích và trở nên mạnh mẽ”.

Sau đó, tối nào bố cũng sang phòng mình ngủ vì sợ mình thiếu thốn tình cảm, suy nghĩ nhiều. Từ đó, hai bố con cùng chia sẻ câu chuyện về cuộc sống, hỏi cảm nhận mình là người đồng tính, bạn bè, công việc như thế nào…

PV: Còn bạn bè thì sao, bạn có bị xa lánh, trêu chọc, bạo hành ở trường không?

Nguyễn Trần Đại Hải: Lên lớp 10, mình công khai với bạn bè. Họ không trêu chọc, xa lánh mà yêu thương và đối xử nhẹ nhàng hơn trước với mình. Lên đại học, bắt đầu đi làm, mình cũng công khai với đồng nghiệp và mọi người cũng đối xử bình thường.

Mình nghĩ, có thể là do mình không ngại khó khăn, luôn hướng đến cái nhìn tích cực, có niềm tin vào bản thân. Mình không trách móc những bạn kỳ thị người đồng tính mà mình để họ hiểu mình, thấy bản thân mình sống tốt nên việc công khai của mình thuận lợi hơn.

Được công nhận quyền bình đẳng

PV: Không phải người đồng tính nào cũng được gia đình chấp nhận, thậm chí ruồng bỏ và dùng biện pháp đau đớn để chữa trị?

Nguyễn Trần Đại Hải: Người LGBT gặp không ít khó khăn trong việc công khai xu hướng tính dục thật. Bản thân mình đã từng nghe những câu chuyện đã trở thành “truyền thuyết” như trường hợp bạn nam chuyển giới nữ bị bố mẹ cầm dao chặt tóc khi bạn đó đang ngủ. Đối với các bạn ấy, mái tóc dài vô cùng quan trọng, giống như thể hiện tôi là một người phụ nữ.

Hay câu chuyện một bạn bị mẹ gọi về nhà gấp khi phát hiện bạn ấy là người đồng tính. Vừa bước vào nhà, hai người cậu đứng hai bên tóm chặt cánh tay, còn người mẹ cầm xô tỏi sống đổ vào người bạn ấy. Sau đó, mẹ xích bạn ấy lại và cậu ấy đã vùng chạy trốn khỏi nhà.

Hay nhiều bạn đồng tính bị bố mẹ đưa đi chữa bệnh, đưa cúng tế… và bị thầy cúng đâm vào yết hầu rồi hét to “con ma mày cút ra”, bạn đó giẫy giụa gào lên “con là người đồng tính, con yêu con trai”. Đặc biệt, ở những vùng quê có văn hóa làng xóm thì còn xảy ra đáng sợ hơn, đau xót hơn.

PV: Vậy với tư cách là người đồng tính, bạn mong muốn gì cho cộng đồng của mình?

Nguyễn Trần Đại Hải: Mình nhận thấy cộng đồng LGBT Việt Nam chưa được giáo dục nhiều về mặt nhân quyền. Đó là lý do tại sao mà cuộc đấu tranh giành lấy quyền rất riêng rẽ, lẻ tẻ. Nhiều bạn hài lòng với cuộc sống kín, chấp nhận ban ngày là dị tính, ban đêm là đồng tính; có bạn trốn tránh “không, tôi không phải người đồng tính” hay sự kỳ thị từ trong chính cộng đồng thậm chí từ chính bản thân LGBT “tại sao mình sinh ra lại thế này, thật bất hạnh”

Mình mong muốn người LGBT có một tiếng nói chung, một mục đích, mục tiêu chung đó là được công nhận quyền bình đẳng.

PV: Bạn đã có người yêu và bạn có tin có tình yêu thật sự giữa người đồng tính không?

Nguyễn Trần Đại Hải: Mình đã từng thấy những cặp đôi less yêu nhau 30 năm, 20 năm đã sinh con và giờ họ vẫn trao nhau ánh mắt yêu thương, tình cảm.

Người đồng tính khó đến với nhau bởi sự ngăn trở của pháp luật, sự kỳ thị của xã hội. Nhưng nếu họ đến được với nhau, tình yêu đó sẽ rất bền chặt và đáng ngưỡng mộ. Mình cũng mong muốn, hy vọng có được tình yêu bền chặt như thế!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại