"Chắc chắn Trung Quốc sẽ rút giàn khoan khỏi thềm lục địa của VN"

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu - Dương Danh Dy cho rằng, Trung Quốc rất mạnh nhưng cũng có nhiều điểm yếu...

Trao đổi với chúng tôi vào ngày 26/5, ông Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc khẳng định, những hành động trên Biển Đông trong thời gian qua của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

PV: Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực ngoại giao, ông đánh giá như thế nào về hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam? Nhiều ý kiến cho rằng, hành động này không chỉ đơn thuần là mũi khoan thăm dò dầu khí mà chứa đựng bên trong đó là những "mũi khoan chính trị" để đo phản ứng các nước?

Ông Dương Danh Dy: Tôi là người đã làm việc từ những năm 60 ở khắp trung ương tới địa phương của Trung Quốc và trong thời gian đó, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều tài liệu của Bắc Kinh, thể hiện rõ mưu đồ thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc rõ ràng nhằm đến 2 mục đích, vừa xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vừa tổ chức thăm dò tài nguyên, khoáng sản dầu khí trên Biển Đông.

Trước đây, khi Trung Quốc nổ súng chiếm đảo Gạc Ma và sau đưa tàu ra chiếm Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng là nhằm mưu đồ chiếm đoạt các vùng có trữ lượng dầu khí đã được thăm dò.

Ngoài ra, cũng phải thấy rõ rằng, Biển Đông là cửa ngõ của nhiều tuyến hàng hải quan trọng của quốc tế. Với âm mưu chi phối Biển Đông, Trung Quốc đang mong muốn sẽ có một ngày gây được áp lực với Nhật Bản và một số cường quốc khác qua tuyến hàng hải này.

Nói như vậy để ta cũng hiểu được một điều rằng, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị từ rất lâu trước khi thực hiện bước đi lần này. Trên thế giới hiện nay, Trung Quốc là một nước lớn, có tiềm lực mạnh, chúng ta thừa nhận điều đó, nhưng phải khẳng định rõ ràng rằng, Việt Nam tôn trọng và biết ơn với sự giúp đỡ trong lịch sử nhưng chúng ta không hề sợ Trung Quốc.

Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc - ông Dương Danh Dy.
Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc - ông Dương Danh Dy.

PV: Những phát biểu đanh thép của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đang nhận được sự ủng hộ của dư luận. Ông đánh giá như thế nào về những phát biểu này?

Ông Dương Danh Dy: Những phát biểu đanh thép của Thủ tướng nhất là việc ông khẳng định về việc "không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông" là lời tuyên bố rất ngắn gọn nhưng thể hiện được đầy đủ quan điểm trí tuệ tập trung của nhân dân ta. 

Chúng ta rất tôn trọng Trung Quốc, mấy nghìn năm ở bên cạnh, ta biết rõ được Trung Quốc, nên bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện được truyền thống của cha ông chúng ta. Tức là chúng ta biết rất rõ Trung Quốc, biết cách ứng xử với Trung Quốc, nhưng đồng thời chúng ta cũng cảnh giác với việc nói và làm của chính quyền Trung Quốc.

PV: Quay trở lại một vấn đề cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, đó là cuộc tập trận chung cũng như những tuyên bố về hợp tác quan trọng giữa Nga và Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này trong bối cảnh hiện nay?

Ông Dương Danh Dy: Quay trở lại lịch sử chúng ta thấy rõ, giữa Liên Xô trước đây, Nga ngày nay và Trung Quốc đã từng có chiến tranh biên giới và những cuộc khẩu chiến giữa hai nước kéo dài rất lâu sau đó. Chính khi tôi đang làm việc ở Trung Quốc cũng đã chứng kiến các báo, đài của nước này đả kích mạnh mẽ Nga.

Tuy nhiên, theo tiến trình chung của sự phát triển thế giới thì không bao giờ có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích của dân tộc, của đất nước là vĩnh viễn.

Ở đây, sau sự kiện diễn ra ở Ukraina, Mỹ cũng như các nước phương Tây đã gây sức ép với Nga, nhất là về vấn đề dầu mỏ, khí đốt. Chính điều đó đã khiến Nga phải quay sang nhích gần về phía Trung Quốc. Cả hai bên đã chịu những nhân nhượng cho nhau về các vấn đề còn tranh cãi để đặt đường ống dẫn dầu và sắp tới là khí đốt sang Trung Quốc.

PV: Trung Quốc là một nước mạnh nhưng vẫn có điểm yếu. Vậy ông có thể phân tích kỹ hơn những điểm yếu của Trung Quốc khi thực hiện mưu đồ, thủ đoạn bành trướng, muốn làm bá chủ ở Biển Đông?

Ông Dương Danh Dy: Đứng trên bình diện thế giới thì Trung Quốc là nước mạnh nhưng không riêng gì Trung Quốc mà bất cứ nước nào cũng có những điểm yếu.

Trước hết, chúng ta có thể thấy rõ, điểm yếu đầu tiên cần phải nhắc đến đó là tính phi nghĩa của Trung Quốc khi tuyên bố và khẳng định chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Và chính vì sự ngang ngược, sai trái, bất chấp lẽ phải đó đã khiển Trung Quốc bị dư luận cả thế giới lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Điều thứ hai khi nhắc đến Biển Đông thì Trung Quốc có điểm yếu rất lớn về vị trí cũng như khoảng cách địa lý. Nếu tính từ đảo Hải Nam ra đến một điểm nào đó ở Biển Đông thì máy bay chiến đấu của họ có khi bay được tới vùng biển rồi bay về là hết dầu, không thể nào có thời gian để tác chiến.

Chúng ta và cả thế giới đều đã lên tiếng khẳng định, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và nó cách đảo Hải Nam - Trung Quốc rất xa, nhưng vì tham vọng bành trướng lãnh hải cũng như sức mạnh quân sự trên biển xuống hướng Nam, Bắc Kinh cố sống cố chết để tuyên bố cái gọi là chủ quyền đối với 80% diện tích biển Đông thông qua "đường lưỡi bò" phi pháp do họ tự vẽ ra. Điều này dù họ có cố tình lấp liếm bằng lý do gì cũng không thể che giấu được.

Thứ ba, một điểm trọng yếu của quân đội Trung Quốc hiện nay nói chung và hải quân nói riêng chính là tinh thần người lính. Lính Trung Quốc thường được gọi là ‘lính con một”, tức là từ hơn 30 năm nay Trung Quốc thực hiện chế độ sinh đẻ có kế hoạch, mỗi cặp vợ chồng chỉ được đẻ 1 con.

Lứa tuổi từ đủ 18 đến 20 là tuổi đi lính nghĩa vụ của Trung Quốc. Đó là tuổi của những đứa “con độc nhất”. Không nói cũng rõ, những cậu con một này đã được tới những “6 người lớn chăm sóc, nâng niu” từ lúc mới lọt lòng cho tới khi đến tuổi trưởng thành.

6 người mà tôi nói đến ở đây, đó là, hai bố mẹ, hai ông bà nội, hai ông bà ngoại, cho nên cậu nào, dù ở thành phố hay nông thôn, là con nhà giàu hay nhà nghèo cũng đều được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", chiều chuộng đủ đường.

Đến tuổi nhập ngũ, tinh thần phấn đấu, chịu đựng gian khổ của những “cậu ấm độc nhất” đó nói chung rất kém.

Và điều quan trọng nữa là cuộc xung đột ở Biển Đông nếu có xảy ra thì là hoạt động vũ lực phi nghĩa của Trung Quốc nhất định sẽ bị dư luận tiến bộ trong nước và trên thế giới lên án. Ngoài ra, những thanh niên Trung Quốc bây giờ có cơ hội tiếp xúc với nhiều luồng thông tin trong và ngoài nước hơn các thế hệ trước nên họ không dễ bị lừa bịp, o ép.

Từ chỗ hiểu được rõ về những điểm yếu này của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam chúng ta có được đối sách phù hợp để giành thắng lợi.

PV: Chúng ta và cả dư luận thế giới đã lên tiếng rất mạnh mẽ phản đối nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn rất ngang ngược, không chịu rút giàn khoan Hải Dương 981 về nước. Vậy, theo ông, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải làm gì?

Ông Dương Danh Dy: Một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chúng ta đã và đang thực hiện rất nhiều biện pháp khác nhau nhằm yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay những hành động sai trái nhưng trên nguyên tắc hòa bình, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, thời điểm này, chúng ta cũng chưa thể dự đoán được phương án nào có thể thực hiện được điều đó, bởi lẽ, ở đây còn phải phụ thuộc vào tình hình thực tế trên Biển Đông. Nhưng với những diễn biến căng thẳng, nếu còn kéo dài, chắc chắn chúng ta sẽ có biện pháp kiên quyết, phù hợp.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại