“Cha đẻ” của Flappy Bird thiếu tính chuyên nghiệp?

Hải Nguyên |

(Soha.vn) - Quyết định gỡ bỏ Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông khiến giới truyền thông và công nghệ thế giới đã bày tỏ sự tiếc nuối bên cạnh những dấu hỏi lớn.

Flappy Bird có cơ hội trở thành thương hiệu lớn

Trước thông tin liên quan tới “cơn sốt” Flappy Bird và chàng trai Nguyễn Hà Đông, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, người có trên 20 năm kinh nghiệm marketing quốc tế và tại Việt Nam, là tác giả của 10 mô hình Brand Marketing.

Là một chuyên gia thương hiệu có uy tín, ông đánh giá như thế nào về Flappy Bird?

Ông Võ Văn Quang: Flappy Bird là sản phẩm đã quá nổi tiếng. Nhìn toàn cục, chúng ta nên ủng hộ cho sự nổi tiếng này và lấy làm hãnh diện chung vì có sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế.

Sản phẩm này có chiều hướng về tiêu dùng rất mạnh. Đây là cơ hội để các bạn trẻ từng bước tìm kiếm cơ hội thông qua các sáng tạo trong nền kinh tế của internet. Game cũng là sản phẩm dễ tiếp cận. Việc “khai tử” Flappy Bird một phần cho thấy khởi nghiệp của chúng ta còn chưa được chuyên nghiệp như vấn đề sở hữu trí tuệ, về thuế và hợp đồng phân phối… Đó là những vấn đề mà các bạn trẻ gần như chưa chuẩn bị nên có thể phát sinh những rủi ro tiềm ẩn đáng tiếc. Và đó cũng chính là điều mà tác giả Flappy Bird không muốn hứng chịu.

Sự thật về bản quyền, theo tôi là có thể có. Có thể Hà Đông làm lại mới để tránh những hình ảnh nhạy cảm về bản quyền nhưng về mặt ý tưởng, cơ chế trò chơi về cơ bản là không copy. Đâu đó có thể giống về hình ảnh trang trí.

Còn một vấn đề nữa là thuế. Theo tôi, Hà Đông nên mạch lạc trong việc đóng thuế.

Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông chưa có sự chuẩn bị chu đáo, chưa chuyên nghiệp tức là chưa có ekip hoàn chỉnh, đầy đủ.

Flappy Bird đã chính thức bị gỡ bỏ khỏi các gian hàng App Store và Google Play
Flappy Bird đã chính thức bị gỡ bỏ khỏi các gian hàng App Store và Google Play

Cách Hà Đông gỡ game Flappy Bird có phải là cách xử lý khủng hoảng truyền thông tốt nhất?

Ông Võ Văn Quang: Dưới góc độ công chúng thì việc Hà Đông gỡ game Flappy Bird là điều không nên và chưa có tính chuyên nghiệp. Sản phẩm này được hàng trăm triệu người chào đón. Với quy mô đó, sau một thời gian nếu thấy được sức lan tỏa như vậy, Hà Đông cần có sự chuẩn bị chu đáo hơn. Qua đây chúng ta có thể thấy sự thiếu chuyên nghiệp qua việc điều hành sản phẩm này.

Ở một số nước trên thế giới, nếu phát hiện ra hiện tượng kinh doanh tốt như vậy, các chuyên gia, các công ty, các luật sư, những người quản lý sẽ vào đặt vấn đề và hai bên cùng hợp tác tham gia phát triển, duy trì sản phẩm. Đồng thời đánh giá những rủi ro có thể xảy tới với sản phẩm đó.

Như trên đã nói, chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp trong bộ máy khởi nghiệp từ đó phát sinh mối nguy. Chính vì thế, một mình Hà Đông không đánh giá hết rủi ro đó và Đông không thể tự mình giải quyết tất cả mọi thứ nên từ đó dẫn tới kết cục là, gỡ bỏ game Flappy Bird ra khỏi 2 gian hàng ứng dụng App Store dành cho iOS và Google Play dành cho Android.

Hơn nữa, Hà Đông cũng như người đại diện không có một đối thoại đúng mực với dư luận, cho nên vì dư luận đang háo hức nên mới tạo cơ hội phát sinh tin đồn kể cả là các tin đồn ác ý. Điều đó là rất đáng trách bởi kể cả xét về mặt pháp lý, để xử lý tin đồn là cực kì khó khăn.

Theo ông, có một sự lựa chọn nào khác thay vì “khai tử” game Flappy Bird?

Ông Võ Văn Quang: Theo kịch bản mà tôi hình dung có thể sẽ theo một thực tế: Thứ nhất, bạn đang có ý tưởng rất hay nhưng về mặt bản quyền chưa chuẩn. Thứ hai, thương hiệu ấy có các tiểu tiết trùng lặp với các thương hiệu nổi tiếng khác, nhưng về bản chất là không phải copy.

Về cơ bản đây là sản phẩm tốt và có cơ hội để biến sản phẩm thành thương hiệu lớn. Nhưng để vận hành một thương hiệu với một doanh số lớn thì không thể một người được. Sản phẩm này cần bộ máy quản lý rất chuyên nghiệp. Tôi nhấn mạnh thêm, sản phẩm tốt nhưng sự chuẩn bị và tính chuyên nghiệp chưa cao sẽ tạo ra những mối nguy về rủi ro.

Đây là kinh tế tri thức nên mối nguy thuộc về sở hữu trí tuệ. Thêm vào đó là về mặt thuế thu nhập. Làm ăn lớn, làm ăn có thương hiệu không thể trốn né những quy định mang tính bắt buộc đó. Nên xử lý theo hướng đó.

Nguyễn Hà Đông chỉ là nhà lập trình nên phải có công ty đứng ra hợp tác. Thậm chí Hà Đông chỉ cần hưởng ½ số lợi nhuận, nửa còn lại dành cho bộ máy vận hành, đó cũng là hài hòa và tốt cho bản thân Hà Đông. Còn nếu suy nghĩ theo lợi ích cá nhân thì tôi cho đó là suy nghĩ đáng trách.

Theo ông, Hà Đông nên ứng xử thế nào trong tương lai nếu tiếp tục làm game và lại có những game thành công như Flappy Bird?

Ông Võ Văn Quang: Đây là thương mại toàn cầu nên cơ hội hợp tác rất lớn. Đây chính là cơ hội để các công ty kinh doanh phần mềm đến hợp tác với Hà Đông. Kể cả các chuyên gia trong lĩnh vực này. Còn bản thân Nguyễn Hà Đông cũng nên cởi mở, lắng nghe mọi đóng góp, cần có một luật sư đứng về phía mình. Từ đó, Hà Đông sẽ hợp tác theo cơ chế như vậy, với một công ty có kinh nghiệm và có người quản lý cùng giải quyết những khúc mắc trong thương mại toàn cầu.

Tôi rất mong Hà Đông nên cởi mở, có một luật sư, một chuyên gia hoặc một công ty hợp tác để cùng chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi.

Thông qua câu chuyện của game Flappy Bird và người sáng tạo ra nó là Nguyễn Hà Đông, chúng ta cũng kì vọng những cơ hội mới, sản phẩm mới trong tương lai được tung ra một cách bài bản hơn trong môi trường kinh tế sáng tạo.

Gỡ bỏ Flappy Bird là thông minh cho cả hiện tại và tương lai

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc mạng thông cáo báo chí PRWeb - Netlink cũng nói: Việc Nguyễn Hà Đông chọn cách im lặng, theo tôi là chưa chuẩn bị cho sự nổi tiếng của mình, vì vậy cũng chưa biết ứng phó với truyền thông như thế nào. Về nguyền nhân khác, do Hà Đông là người đam mê game và thuần túy như một chuyên gia phát triển sản phẩm, không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phải doanh nhân, không phải nhà truyền thông vì vậy cũng chưa đủ các căn cứ xem nên nói hay không nói, nói như thế nào cho hợp lý vì vậy im lặng là tốt hơn hết.

Trong tương lai nếu Hà Đông tiếp tục có game tốt như vừa qua, thì nên chọn cách làm khôn ngoan
Trong tương lai nếu Hà Đông tiếp tục có game tốt như vừa qua, thì nên chọn cách làm khôn ngoan

Và cách Hà Đông gỡ game chưa phải là cách xử lý khủng hoảng truyền thông tốt nhất. Theo nguyên tắc xử lý khủng hoảng truyền thông thì cần đối diện với các thông tin mà truyền thông đang quan tâm, cần cung cấp các thông tin để cho truyền thông hiểu đầy đủ về sự việc để có góc nhìn tích cự về sự việc. Việc gỡ game đột ngột dễ khiến truyền thông nghi ngờ có điều gì đó khuất tất.

Trong tương lai nếu Hà Đông tiếp tục có game tốt như vừa qua, thì nên chọn cách làm khôn ngoan, chọn đơn vị tư vấn truyền thông chuyên nghiệp thay mình phát ngôn, chọn đơn vị từ vấn bản quyền và pháp lý trước khi phát hành.

Về cá nhân tôi, sau sự việc này, tôi có thêm động lực để tin là người Việt có thể làm ra các sản phẩm toàn cầu, có thêm động lực để khẳng định thế hệ trẻ Việt Nam sẽ thành công. Sự kiện này cũng gợi mở về xu thế truyền thông xã hội trong tương lai. Tôi cho rằng việc gỡ game cũng là một sự thông minh cho cả hiện tại và tương lai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại