Cầu vượt "đuổi" cầu bộ hành: Lộ rõ "tầm" của quy hoạch

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Dù đang gấp rút triển khai nhưng dự án cầu vượt ngã tư Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại đang khiến dư luận quan tâm bởi hơn lúc nào hết, sự chồng chéo trong quy hoạch giao thông đô thị thể hiện rõ trong dự án này.

Không cần thiết phải xây cầu vượt?

Dự án cầu vượt tại nút giao thông Đại Cồ Việt –  Trần Khát Chân (giao phố Huế - Bạch Mai) được khởi công được khởi công vào đầu tháng 2/2013 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2013. Theo đó, cầu vượt này có chiều dài hơn 350m, rộng 11m, với tổng đầu tư hơn 180 tỷ đồng.

Dù đang gấp rút triển khai, nhưng dự án cầu vượt ngã tư Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại đang khiến dư luận quan tâm bởi hơn lúc nào hết, sự chồng chéo trong quy hoạch giao thông đô thị lại thể hiện rõ trong dự án này.

Ngã tư nút giao thông Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân khi chưa triển khai dự án xây cầu vượt.
Ngã tư nút giao thông Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân khi chưa triển khai dự án xây cầu vượt.

Anh Lưu Xuân Hùng (trú tại Tạ Quang Bửu, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi làm ở phố Lò Đúc, ngày nào đi làm tôi cũng phải qua nút giao thông Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, đây là tuyến đường khá thoáng, rất ít khi tắc đường. Theo tôi việc xây cầu vượt ở đây không thực sự cần thiết, nên ưu tiên kinh phí cho các tuyến đường khác”.

Cũng theo anh Hùng, vào giờ tan tầm thì lưu lượng người tham gia giao thông trên tuyến đường Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân có tăng cao nhưng do đường hai chiều lại thông thoáng nên việc ùn tắc giao thông đến mức “nghiêm trọng” như những tuyến đường khác là rất ít xảy ra.

“Theo tôi, ở điểm giao cắt ngã tư Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân chỉ nên duy trì hệ thống đèn tín hiệu giao thông và cầu vượt sang đường dành cho người đi bộ là phù hợp. Nó vừa linh hoạt lại vừa tiết kiệm được kinh phí để đầu tư vào những điểm giao thông vốn hay bị ùn tắc khác”, anh Hùng phân tích.

Đồng quan điểm với anh Hùng, chị Nguyễn Hoài Thu (trú tại KTT Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng nút giao thông ngã tư Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân không cần thiết phải xây dựng cầu vượt mà chỉ nên duy trì hệ thống đèn tín hiệu là đủ.

Bất cập trong quy hoạch giao thông đô thị

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tân – Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc triển khai dự án cầu vượt ngã tư tại nút giao thông Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân là cần thiết bởi đây là giải pháp để chống ùn tắc giao thông và nằm trong kế hoạch chung của Thủ đô.

“Trong quá trình xây dựng cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Cát Chân, cầu vượt đi bộ tại đây đã được di chuyển đến ngã ba Kim Đồng – Giải Phóng (Q.Hoàng Mai, Hà Nội).

Bởi vậy sẽ không hề có chuyện xảy ra lãng phí khi xây dựng cầu vượt mà phá bỏ hoàn toàn cầu dành cho người đi bộ. Ở đây, cầu đi bộ vẫn được chúng ta tận dụng để đưa vào sử dụng”, ông Tân khẳng định.

Cùng với dự án cầu vượt ngã tư Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, dự án xây cầu vượt tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh cũng đang được triển khai.
Cùng với dự án cầu vượt ngã tư Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, dự án xây cầu vượt tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh cũng đang được triển khai.

Cũng theo ông Tân, sau khi khánh thành cầu vượt ngã tư Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân (dự kiến vào tháng 10/2013), Sở GTVT Hà Nội sẽ tổ chức quy hoạch lại nút giao thông tại đây. “Khi đó người đi bộ có thể đi qua mặt đường mà không cần đến cầu vượt đi bộ”, ông Tân nói.

Tuy nhiên, dù cách giải thích của đại diện Sở GTVT Hà Nội được đưa ra có vẻ “hợp tình, hợp lý” thì nhiều người vẫn cho rằng qua dự án xây cầu vượt ngã tư này, một lần nữa, sự chồng chéo, bất cập trong vấn đề quy hoạch tổng thể giao thông đô thị và kiến trúc Thủ đô lại được bộc lộ rõ nét.

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện – nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng ở đây đã bộc lộ rõ việc thiếu tầm nhìn xa khi quy hoạch.

“Khi quy hoạch giao thông đô thị tổng thể trước đó chúng ta đã không tính toán kỹ đến các phương án, cụ thể là việc phải xây dựng các cầu vượt sau này.

Cầu vượt dành cho người đi bộ cũng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa lâu, giờ nếu phá bỏ đi thì rất lãng phí.

Còn nếu có di chuyển sang tuyến đường khác thì dù không lãng phí nhưng rõ ràng sẽ vẫn là bất cập  khi triển khai dự án”, KTS Nguyễn Trực Luyện phân tích.

Trong khi đó, KTS Đoàn Đức Thành (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cũng cho rằng: “Các cầu vượt dành cho người đi bộ chủ yếu là những cầu tạm, có thể tháo dỡ và di chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, các cầu vượt đi bộ cũng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa lâu.

Nếu trước đó tính toán kĩ lưỡng hơn, ví dụ như lường trước được việc triển khai dự án cầu vượt ngã tư sau này thì không lắp đặt cầu vượt đi bộ nữa và không bị lãng phí công sức để lắp đặt rồi lại tháo dỡ, di chuyển như hiện nay”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại