Cầu Ghềnh bị sập: "Trách nhiệm liên quan vụ này rất lớn!"

Mai Quốc Ấn |

Nói về vụ sập cầu Ghềnh, luật sư Hưng cho hay: "Trách nhiệm liên quan đến vụ việc này cũng rất lớn, không kém những thiệt hại vật chất và có liên quan đến nhiều đối tượng".

Giữa trưa 20/3/2016, Cầu Ghềnh- cây cầu biểu tượng của vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai đã bị sà lan đâm sập. Toàn bộ tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Tp.HCM- Đồng Nai bị tê liệt hoàn toàn.

Đây là một tai nạn khủng khiếp và thiệt hại của nó có thể dự đoán được là rất lớn. Ai sẽ chịu trách nhiệm về tai nạn này? Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Kiều Hưng (hãng luật Giải Phóng) để làm rõ vấn đề này dưới góc độ pháp lý.

PV: Thưa ông, tai nạn Cầu Ghềnh đã xảy ra. Ông đánh giá gì về sự kiện này?

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Trước mắt, Cầu Ghềnh sập làm tê liệt đường sắt Bắc – Nam đoạn Đồng Nai – TP.HCM, đây là một thiệt hại rất lớn về kinh tế cho Tp.HCM nói riêng và đất nước nói chung.

Hiện chưa có thông tin chính thức thiệt hại về người và tôi cũng rất mong không có thiệt hại về người để thảm họa không lớn thêm.

Cả một lực lượng lớn được huy động cứu hộ, cứu nạn là đã tốn kém ngân sách. Sau đó còn tốn kém chi phí để xây dựng, sửa chữa lại cầu và còn các thiệt hại khác do giao thông đường sắt bị tắc nghẽn như khách và hàng hóa ở Tp.HCM phải đưa đến ga Biên Hòa và ngược lại.

Tôi đoán có thể giá trị thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều chuyến tàu bị đình trệ do sự cố Cầu Ghềnh sập
Nhiều chuyến tàu bị đình trệ do sự cố Cầu Ghềnh sập

PV: Có thiệt hại thì phải có trách nhiệm, theo ông trách nhiệm trước pháp luật về tai nạn này là của ai?

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Theo tôi trách nhiệm liên quan đến vụ việc này cũng rất lớn, không kém những thiệt hại vật chất và có liên quan đến nhiều đối tượng.

Ví dụ như trách nhiệm của tài công điều khiển sà lan, trách nhiệm bảo trì, sửa chữa cầu và đường sắt, trách nhiệm canh trực- cảnh báo tai bạn, trách nhiệm quy hoạch,…

Có một điều dễ thấy là ngoài Cầu Ghềnh hơn trăm năm thì không có cây cầu nào dự phòng hoặc thay thế cho nó cả. Đây là điều hết sức kỳ lạ...

PV: Vậy cơ sở nào để quy kết trách nhiệm, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Phải xác định trách nhiệm để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, hành chính và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo rồi, giờ là việc của Cảnh sát điều tra.

Tài công điều khiển tàu kéo sà lan hiện đang bỏ trốn cần ra trình diện để nhận được sự khoan hồng của pháp luật và giúp cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân gây ra vụ việc.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

PV: Theo ông, có những nguyên nhân khác để dẫn đến tai nạn quá lớn này?

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Ở một góc nhìn khác, không loại trừ nguyên nhân gián tiếp là cầu quá thời hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.

Các cơ quan chức năng liên quan có thể đã không làm hết trách nhiệm của mình trong việc không có biện pháp bảo vệ an toàn cho các móng Cầu Ghềnh (giống cầu Bình Triệu, các móng cầu được bảo vệ bởi các trụ bê tông).

Bên cạnh đó, việc không kiểm tra bảo trì, giám định thường xuyên …thì có thể xem xét hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các cá nhân liên quan.

Ngoài ra, tôi có nghe nhiều người dân Biên Hòa về thông tin đoạn sông đi qua Cầu Ghềnh thời gian gần đây chảy xiết bất thường có thể gián tiếp làm sức tải của cầu yếu đi, tăng vận tốc và sức va chạm của sà lan vào trụ cầu.

PV: Vì sao ông lại nhận định như thế?

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Nói như vậy là có sơ cở bởi, sức tông của một sà lan không tải làm rớt cả nhịp cầu buộc các cơ quan chức năng phải xem xét, thẩm định kỹ lưỡng chất lượng hiện tại của cây cầu.

Nếu muốn làm rõ hơn, Cảnh sát điều tra có thể đối chiếu tốc độ dòng chảy so với cùng thời điểm trước đây mà người dân phản ánh.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại