Cầu “độc” vùng quê

Thanh Tiến |

Không phải cầu tre chênh vênh lắc lẻo, cũng chẳng phải cầu ván gập ghềnh khó đi, những hộ dân thuộc 2 xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc (An Phú, An Giang) từ nhiều năm nay đã quen với việc qua kênh bằng... “cáp treo”.

Từ nhu cầu thực tế

Vùng đầu nguồn An Phú với đặc điểm địa hình kênh rạch chằng chịt nên những chiếc cầu luôn đóng vai trò quan trọng trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân.

Tuy nhiên, không phải lúc nào địa thế kênh rạch cũng ủng hộ việc xây cất cầu ván kiên cố, trong khi cầu tre lại tỏ ra “không hợp thời” với điều kiện giao thông đường thủy hiện nay.

Xuất phát từ thực tế, người dân của vùng đầu nguồn đã sáng tạo ra những chiếc “cáp treo” phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất.

Ông Trương Văn Khỏi, người dân xã Vĩnh Lộc, hớn hở: “Đối với cầu ván, người dân phải chọn những nơi có địa hình thuận lợi như mặt đường giao thông lớn, lòng kênh không quá sâu.

Đó là chưa kể chi phí thực hiện mỗi chiếc cầu rất cao, khó lòng vận động nguồn quỹ.

Ngoài ra, muốn hoàn thành chiếc cầu ván đòi hỏi gần chục anh em thực hiện cả tuần lễ mới xong.

Trong khi chỉ cần vài ba người làm trong 2 ngày là có thể hoàn thành “hệ thống cáp treo” để qua sông”.

Đặc điểm khiến người dân chuộng những chiếc cầu “độc” này là sự dễ dàng trong bảo quản, sửa chữa.

“Tuyến kênh Bảy Xã này không bắc cầu khỉ được vì bờ kênh thấp, mà ghe chở lúa thường có kích cỡ lớn.

Cầu ván lại càng khó hơn, mỗi lần nạo vét kênh phải tháo cầu ra rồi bắc lại, rất tốn công, chưa kể đến việc chỉ 3 - 4 năm là xuống cấp.

Hơn nữa, bờ kênh bên kia rất ít nhà dân, đa số họ sang đó làm ruộng, làm rẫy rồi về nên không cần thiết phải bắc cầu ván” - ông Khỏi tiếp lời.

Điểm hay của “cáp treo” là “cabin” có thể di chuyển nên việc giao thông của ghe tàu trên kênh được đảm bảo an toàn .

Sáng tạo kiểu… nông dân

Gọi là “cáp treo” nhưng phương tiện này không sử dụng động cơ, mà chủ yếu dựa vào sức người.

Cấu tạo của “cáp treo” khá đơn giản, chỉ gồm 1 sợi cáp cái 12mm và 1 sợi cáp con 8mm được cố định vào 2 trụ (thường là thân cây mọc 2 bên bờ kênh).

Phần “cabin” có hình dáng tương tự một chiếc kim tự tháp 4 mặt, được gắn vào 2 sợi cáp bằng 3 chiếc ròng rọc.

Qua kênh bằng “cáp treo”

Do số người di chuyển qua lại không nhiều nên “cabin” chỉ rộng khoảng 1m2.

Ngoài ra, “cabin” còn được nối vào một sợi dây thừng có 2 đầu chạy qua 2 chiếc ròng rọc gắn cố định vào trụ. Muốn qua kênh, người dân chỉ việc nắm sợi dây thừng mà kéo.

Là người mang mô hình “cáp treo” về địa phương, anh Trần Văn Vẹn (ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu) chia sẻ: “Tôi thấy bà con qua sông bằng cầu khỉ quá bất tiện, lại không an toàn.

Nếu sử dụng cầu ván thì tốn chi phí và nhanh chóng xuống cấp nên tôi đã suy nghĩ ra cách làm những chiếc “cáp treo” này.

Chi phí mỗi chiếc gần 3 triệu đồng, khi sử dụng lâu năm chỉ cần thay dây cáp là ổn. Vì vậy, bà con rất hào hứng cùng tôi đóng góp tiền và công sức để phục vụ nhu cầu chung”.

Theo anh Vẹn, dọc theo tuyến kênh Bảy Xã đã có 4 chiếc “cáp treo” do anh và người dân làm.

Vì “cáp treo” không có động cơ nên việc qua lại kênh gặp đôi chút trở ngại.

Tuy nhiên, với nông dân, việc có một phương tiện đáp ứng nhu cầu giao thông như vậy cũng xem là lý tưởng.

Bên cạnh việc chở người, “cabin” còn có thể chở nông sản và vật tư nông nghiệp.

“Những chiếc “cáp treo” được thiết kế khá chắc chắn, một người có thể qua sông cùng với hàng trăm ký nông sản.

Một số anh em làm ruộng rẫy còn mang cả phân bón và thuốc trừ sâu qua sông để phục vụ sản xuất.

Chúng tôi không nghĩ mình sáng tạo, chỉ cốt làm sao để công việc ruộng rẫy của mình và bà con được thuận lợi mà thôi” - anh Vẹn thiệt tình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại