“Chết còn sướng hơn…”
Chị Đào Phương Thanh (SN 1968) là một trong số ít người đầu tiên công khai nhiễm HIV. Khi tôi hỏi chị không sợ kỳ thị à? Chị đáp với nụ cười lạc quan: "Nếu tôi cũng sợ, tôi không làm thì chẳng ai dám”.
Tháng 5 năm 2004, chị bị lây nhiễm HIV từ kim đầy máu đâm vào tay khi chăm sóc em trai mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Đến tháng 7, chị rụng rời chân tay khi nghe kết quả dương tính trong lần thử máu lần 3.
“Sốc lắm! Hoàn cảnh gia đình tôi bi đát. Bố mất rồi đến em trai tôi, đám tang em tôi không ai đưa tiễn. Mẹ tôi bị tai biến sau một thời gian cũng qua đời.
Một năm 3 người mất, bản thân tôi nhiễm H. Tôi không sợ chết nhưng quá mệt mỏi, đau đớn”, chị Thanh kể lại.
Chị nhớ lại thời điểm đó, sự kỳ thị người HIV/AIDS đáng sợ và kinh khủng lắm: “Lúc ấy không có thuốc phôi nhiễm lại thiếu hiểu biết nên tôi hoàn toàn suy sụp”.
Rơi vào bế tắc, lúc ấy chị chỉ nghĩ đến cái chết. Chị không ăn, không uống, không dám bật đèn vì thấy ánh sáng chị lại hét toáng lên.
“Lúc ấy tôi phải nuôi con gái đang học lớp 10 và hai đứa cháu con em gái không còn bố mẹ. Tôi nghĩ nếu mình chết đi, ai sẽ cho chúng nó đi học?
Nhìn cảnh ba đứa chỉ có 2000 đồng mua dưa về nấu bát canh chan cơm, tôi quyết định đứng dậy sống tiếp cuộc đời”, chị Thanh nghẹn ngào.
Thời điểm ấy chị quyết tâm công khai mình nhiễm HIV trên truyền hình. Trước đó chị sợ lắm, lo ngày mai mình ra đường sẽ ra sao, liệu có bị kỳ thị không. Còn con gái mình sẽ không ai chơi cùng, bị đuổi học thì sao?
Và cuối năm 2005 chị kể câu chuyện của mình trên phương tiện truyền thông để cộng đồng nhìn vào hiểu hơn về những người nhiễm HIV.
Chị được đồng nghiệp tại Bệnh viện Đống Đa tặng quà, động viên. (ảnh NVCC)
Năm ấy sau khi câu chuyện của chị đăng tải, cả con phố Quốc Tử Giám nơi chị sống không có cửa hàng gội đầu nào dám gội cho chị với lý do: “Mọi người thấy sẽ không dám vào nữa”. Một quán cà phê cũng lắc đầu từ chối chị.
Nhưng ngược lại, ở trường của con gái chị mọi người gửi tặng chị quà, lời động viên chia sẻ với hai mẹ con rất nhiều sau khi biết chuyện. “Một phụ huynh ôm tôi khóc khi nhìn thấy tôi mặc chiếc áo len mà chị ấy tặng”, chị Thanh kể lại.
“Chị bán đồ ăn sáng đầu ngõ nhà tôi còn nói: Nhờ có Thanh mà chị không phải đập bát nữa. Vì ngõ nhà tôi có một cậu bị HIV, mỗi lần cậu ấy ăn sáng ở đây, chị này phải đập bỏ bát vì sợ lây bệnh cho người khác”, chị Thanh nói tiếp.
Với mong muốn mọi người hiểu rõ về HIV/AIDS và biết cách phòng tránh không có người nhiễm mới, tháng 8/2004 chị lập nhóm tự lực Hoa Sữa.
Chính vì thế từ năm 2004 đến nay chị tận tụy với công việc chăm sóc không công người nhiễm H và động viên, tuyên truyền về căn bệnh này cho gia đình, xã hội.
Và từ năm 2005 đến nay chị làm việc tại phòng khám ngoại trú khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội.
Nhiều người gọi là… “hâm”
Sở dĩ người ta gọi chị là “hâm” bởi nhiều năm chị cùng nhóm Hoa Sữa đi nhặt kim tiêm nơi công cộng, dậy từ 5 giờ sáng nấu cháo miễn phí cho người HIV, đến tận nhà trò chuyện với gia đình người có H…
Chị mong muốn: “Cố gắng làm gì đó để thay đổi suy nghĩ, thái độ của mọi người đối với người HIV. Họ vẫn làm được những người tốt, có ích cho xã hội”.
Ban đầu thành viên nhóm chỉ có 6 thành viên trong đó 5 người là bạn của em trai chị. Mọi người gọi đó là “ngôi nhà chung” của những người có H. Nhiều người không có việc làm, không có thuốc ngừa hoặc ở giai đoạn cuối.
Thậm chí, lúc ấy sự kỳ thị đáng sợ người nhiễm HIV/AIDS đến mức người nhà không dám khâm niệm khi con họ mắc căn bệnh thế kỷ ra đi. Họ gọi đến trung tâm, chị và các thành viên lập tức lên đường kể cả nửa đêm hay giá rét.
Nhiều trường hợp bệnh nhân nhóm đến tận nhà để chăm sóc đến lúc người ấy ra đi.
Tôi hỏi chị: “Điều gì chị được qua việc làm miễn phí vì cộng đồng này?”.
Chị nở nụ cười tươi hạnh phúc nói: “Nhiều bạn “trở về từ cõi chết” sau khi được chúng tôi giúp đỡ. Có lẽ cái được nhất là sự tín nhiệm, tình yêu thương của mọi người dành cho chúng tôi và sự sống của những người có H khó khăn”.
Hơn 10 năm nay chị Thanh vẫn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Con gái chị nói đùa rằng: “Sinh nhật mẹ sẽ tặng chiếc sừng trâu để thổi tù và”.
Mặc dù đã gần 50 tuổi nhưng chị Đào Phương Thanh vẫn tự lái xe ô tô trong bán kính 100 cây số để đi làm từ thiện, đến với những người có H để trò chuyện, giúp đỡ.
Dường như chẳng có gì khiến chị mệt mỏi mà dừng bước. Người phụ nữ này tâm sự rằng sẽ làm đến bao giờ nhóm không còn thành viên và người nhiễm H không cần chị nữa.