Dù có gia đinh là người Tràng An chính hiệu, có gia đình được sinh ra tại đây cả ba, bốn thế hệ, nhưng cái nghèo xác, nghèo xơ vẫn quấn lấy họ. Bữa cơm phải lo ăn từng bữa, việc học hành luôn bị đe dọa đứt quãng, bệnh tật thì phó mặc cho số phận.
Nằm giữa khu xóm chài đó là căn nhà gác xép lửng khá rộng của một gia đình Hà Nội chính gốc có 4 con người nghèo khổ, bất hạnh nương tựa vào nhau. Bé Hoàng Anh Dũng bị cái nghèo và bệnh tật đeo bám ngay từ khi mới sinh ra.
Bé Dũng học bài cùng các anh chị gia sư của câu lạc bộ tình nguyện SOB.
Vì cuộc sống mưu sinh bố Dũng phải đi đánh giày, mẹ thì đi bán báo. Tiền kiếm được chẳng là bao. Những ngày mưa báo ế thì phải bỏ tiền túi ra bù vào, nên thi thoảng lắm vài ba tháng mới ghé về thăm các con một lần.
Hai đứa trẻ đang tuổi học hành lại bệnh tật. Gánh nặng dồn hết cho một mình bà nội Dũng. Bà Đỗ Thị Thơm năm nay đã ngoài 70 tuổi. Trên vai người đàn bà ấy còn có thêm một người con gái bị bệnh thận phải lọc máu tuần ba lần đến cả chục năm nay.
Bà không đồng lương hưu, không nghề nghiệp. Tất cả bốn con người ấy phải trông chờ vào những buổi bà được người ta thuê đi lau dọn nhà cửa. Chẳng đủ sống bốn bà cháu lại dắt díu nhau ra Bốt Hàng Đậu bán trà đá. Những ngày nắng ráo thì may ra được vài đồng mua miếng thịt, miếng đậu, còn ngày mưa, ngày bị công an đuổi bắt thì cả nhà phải đi xin cơm về ăn.
Bà Thơm nghẹn ngào: “Hôm nay bà cháu tôi dọn hàng ra được một lúc mà bị công an đuổi bắt mấy lần. Sợ quá đành phải về mà chẳng bán được lấy chục nghìn. Thế này thì trưa mai làm sao có gì tiền đong gạo cho các cháu ăn”.
Những ngày không đươc ai thuê lau dọn nhà, không bán được chén nước trà là trưa bà đành phải nhịn đói, hoặc ăn cháo, buổi tối bà mang bát sang xin cơm thừa của trường Tiểu Học Nghĩa Dũng về ăn.
Ước mơ thành thầy giáo
Vượt lên nghèo khổ và bện tật, hai anh em Dũng vẫn đến trường học chữ như các bạn. Nhưng đôi mắt cận 17 đi ốp khiến cậu bé mỗi lần nhìn vào sách vở là đau đớn, nhức mỏi, nước mắt chảy ròng ròng. Đã có những lúc bà và bác khuyên em đừng học bài nữa, nghỉ ngơi để không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cậu nhất định không chịu.
Em gái Dũng cũng cận nặng lắm năm nay em học lớp 2 rồi. Yến Nhi học rất giỏi, chữ viết thẳng tắp không ai có thể tưởng tượng đó là chữ của cô học trò bị cận đến không còn nhìn thấy dòng kẻ.
Bé Yến Nhi miệt mài học bài du đôi mắt không còn nhìn rõ những dòng kẻ.
Nhà Dũng thuộc diện nghèo, thuộc dân xóm là Chài ven sông Hồng nên từ hơn một năm nay, cứ tuần ba buổi anh em Dũng lại được các anh chị tình nguyện viên tổ chức SOB (School on Boat) đến dạy học miễn phí. Nhờ thế mà Dũng ngày càng học giỏi và đỡ tốn được một phần tiền học thêm của bà nội.
Dũng chia sẻ: “Các bạn trên lớp được đi học thêm này nọ nhiều lắm ạ. Riêng con là không có tiền để đi học thêm, cũng may là có các anh chị đến dạy kèm. Lớn lên con sẽ làm thầy giáo để được đi dạy cho bạn có hoàn cảnh khó khăn như con bây giờ. Nhưng con sợ bị mù lắm, mù thì con không được làm thầy giáo”.
Bạn Nguyễn Quốc Quân, gia sư của Dũng cho biết: “Mắt em kém lắm, cứ phải đưa sách sát ngay vào mặt ấy. Nhiều khi thấy em học cứ phải nheo với dụi mắt mà thương em. Nhưng Dũng chăm học lắm, bài vở giao cho em luôn làm rất tốt”.
Dũng ước lớn lên được làm thầy giáo để được đi dạy học như các anh chị tình nguyện viên bây giờ. Nhưng liệu ước mơ đẹp ấy của em có thành hiện thực hay không khi mắt em ngày càng nặng hơn, nhà lại không có tiền để cho em đi chữa trị thường xuyên.