Hai sổ hộ khẩu mới ghi hết tên con
Từ trung tâm xã Trà Đông, chúng tôi theo con đường ngoằn ngoèo dưới chân núi tìm về thôn Ba Hương.
nhà anh Nam, người dân thôn Ba Hương nói: "Cán bộ dân số về khuyên bảo vợ chồng Nam không sinh nữa đúng không? Ở đây, không một gia đình nào đông con như nhà Nam cả".
Họ còn nói thêm: “Gia đình đó đông con nhất tỉnh Quảng Nam ấy chứ, 15 đứa”.
Vượt qua con dốc dài, ngôi nhà cấp bốn bé nhỏ của vợ chồng Nam - Lạc nằm lưng chừng ngọn đồi, nếu đi phía sau nhà phải cuốc bộ qua dốc dựng đứng, còn đi phía dưới lên phải lội qua suối.
Chúng tôi đành dựng xe lại và lội suối vào nhà, phía trước sân một đám trẻ con đang chơi đùa. Hỏi ba mẹ đi đâu thì chúng đồng thanh trả lời: Đang đi cuốc cỏ thuê chưa về, muốn gặp ba mẹ chờ đến trưa.
Trong bếp, có mấy đứa khác, xúm quanh cô gái mặt buồn buồn rười rượi. Hỏi mới biết đó là Đỗ Thị Hương, con gái thứ năm của anh Nam.
Hương, một tay bế đứa em hơn 2 tuổi, một tay đun lửa nấu cơm.
Hương năm nay 19 tuổi, học đến lớp 6 thì nghỉ, ở nhà không biết làm gì nên xin đi làm ở quán nhậu, chủ quán chê không nhanh nhẹn nên cho nghỉ việc, giờ ở nhà trông em, lo cơm nước cho cả nhà.
Đến trưa, anh Nam, chị Lạc về nhà ăn bữa cơm trưa để chiều tiếp tục công việc cuốc cỏ thuê.
Khi thấy chúng tôi, anh Nam qúa bất ngờ, rụt rè: “Các anh ở bên dân số đến khuyên vợ chồng tui ạ! Đừng đến nữa, tui đã nói nhiều lần rồi mà, vợ chồng tui đẻ thì nuôi được”.
Cả gia đình anh ngồi xúm dùng bữa trưa, nhưng chỉ có 5 đứa con ngồi ăn cơm.
Tôi thắc mắc: 10 đứa khác ở đâu? Anh Nam cho hay: "Đứa đầu hiện đã lấy chồng; đứa thứ 2 đã lấy vợ, vừa mới sinh con đang ở nhà ngoại; đứa thứ 3 làm thuê ở thị trấn Trà My và đứa thứ 4 lấy chồng ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh.
Còn 6 đứa nữa, ở nhà đói quá, đã ăn cơm trước rồi".
Chứng kiến bữa ăn của gia đình anh Nam thấy xót xa. Những bát cơm trắng chan nước canh rau rừng để ăn, chẳng có thịt, cá…
Anh Nam bảo: “Năm 2013, tui bị gãy xương bả vai giờ không làm được công việc nặng, mỗi ngày đi cuốc cỏ, bón phân thuê được 120.000 đồng, cộng với ngày công của vợ để lo cho các con.
Nhưng đi làm bữa được, bữa không, do đó số tiền nhiều khi không đủ mua gạo, chứ không có tiền mua thịt cá”.
Bữa cơm xong, anh Nam tâm sự: “Tui có muốn rứa mô nhưng trời cho thì mình hưởng. Vợ chồng mình sinh được 14 đứa và một đứa con riêng của vợ, thế nhưng bọn chúng thương yêu nhau lắm.
Quần áo thì cứ theo thứ tự thôi. Anh, chị mặc chật lại để cho em, bọn chúng biết giữ lắm nên có bộ qua mấy đứa rồi mà vẫn mặc được”.
Vợ chồng anh Nam cưới nhau vào năm 1989, mang tiếng là cưới nhưng chỉ vài mâm cơm mời người thân đến dự. Hai vợ chồng và một đứa con riêng của vợ được ba mẹ cho ở riêng.
Hỏi tên 15 đứa con, anh Nam nhớ hết, nào là Tình, Hòa, Sinh, Đông, Nhi… đứa cuối cùng Châu. Nhưng hỏi năm sinh từng đứa một thì anh lắc đầu: “Không nhớ hết được, để tui lấy sổ hộ khẩu ra xem”.
Ông Dương Minh Anh, Chủ tịch UBND xã Trà Đông, cho biết: “Đây là kỷ lục không riêng của xã, huyện mà của cả tỉnh. Đã nhiều lần Ban chỉ đạo dân số xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở thôn thay nhau đến động viên, tuyên truyền và phổ biến các biện pháp phòng ngừa thai, tuy nhiên vợ chồng họ nói đẻ được thì nuôi được, chẳng nghe ai cả”.
Điều đặc biệt, sổ hộ khẩu của gia đình anh chẳng giống ai, bởi gia đình anh có đến hai cuốn sổ.
Anh Nam giãi bày: “Do nhiều người quá nên ghi không đủ, cán bộ tư pháp xã ưu ái làm hai sổ cho gia đình tui. Cả hai cuốn sổ đều ghi hết, không sót trang nào”.
Năm 1990, anh chị sinh đứa đầu và đến 2013 sinh đứa cuối.
Đứa đẻ thưa thì cách 2 năm, còn lại 1 năm 1 đứa. Đều đặn 23 năm, 8 đứa con trai, 6 đứa con gái ra đời, thế nhưng chỉ duy nhất một lần chị Lạc sinh đứa thứ 11 phải đến bệnh viện, còn lại tự sinh ở nhà.
Tôi hỏi: Ngày đó sao không đặt vòng cho vợ? Anh Nam bảo: “Mình có đưa vợ ra trạm xá và xuống bệnh viện huyện, nhưng đặt không được.
Vợ bị sa dây chằng, đặt rồi lại tuột! Còn dùng bao cao su thì phức tạp; tiêm thuốc ngừa thai thì 3 tháng phải đi một lần, lại mất thời gian nên bảo vợ thôi không đi nữa”.
Thấy hoàn cảnh vợ chồng anh Nam, chị Lạc đông con nghèo khổ, bà con làng xóm có áo quần cũ mang đến cho các con anh mặc. Những lúc thiếu gạo, nhiều chủ cửa hàng cho nợ, đến lúc làm thuê có tiền đem trả. Cũng vì thế mà 15 đứa con có áo mặc, bữa ăn có cơm lót bụng.
Thế cán bộ dân số không ngăn cản sao? Tôi hỏi: “Có chứ, thấy tui sinh nhiều họ đến bắt đi tiêm thuốc, nhưng mình không nghe nên giờ con mới nhiều rứa đó.
Có lần họ bắt buộc vợ tui phải kế hoạch hóa gia đình, thấy họ đến vợ chồng vào rừng trốn”.
Nói về chuyện sinh nhiều con, anh Nam buồn rầu: “Tám đứa đầu chẳng được học đến nơi đến chốn, đứa học cao nhất đến lớp 8, bởi được ông bà nội nuôi, còn lại học đến lớp 3, lớp 6 là cùng.
Thấy bọn trẻ nghỉ học, tui cũng buồn lắm, nhưng thử hỏi, cho bọn chúng đi học thì lấy tiền mô mà mua gạo cho chúng ăn? Không biết 6 đứa còn lại có được học cao hơn nữa không?
Bây giờ vợ chồng già rồi, chắc chỉ đủ lo cái ăn cho chúng là may mắn lắm rồi”.
Ai xin con cũng không cho
Nhìn vào căn nhà cấp bốn của vợ chồng Nam - Lạc chẳng có gì đáng giá. Tài sản đắt nhất là một chiếc xe máy Trung Quốc bị hỏng nhưng không có tiền sửa đành đắp chiếu ở góc nhà và 3 cái giường để cho bọn trẻ ngủ.
Khác với những hộ gia đình khác, đông con thì phải nhiều ruộng, nhiều nương để có cái ăn, đằng này, gia đình anh chỉ có 2 sào ruộng.
Năm làm 2 vụ, thu hoạch được khoảng 4 tạ lúa. Trong khi, mỗi ngày gia đình anh nấu hết 5 kg gạo.
Buổi sáng 1 kg; buổi trưa 2 kg và buổi tối 2 kg; tính ra, số lúa làm ra chỉ đủ ăn hơn 1 tháng. Còn hơn 11 tháng, trông chờ vào tiền làm thuê, làm mướn của hai vợ chồng.
Tôi hỏi: Nếu có người xin nhận con của anh đem về nuôi, anh chị có cho không? Anh Nam lắc đầu: “Không cho được, mình đẻ được thì nuôi được.
Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Anh chị em bọn chúng quý nhau lắm, chẳng ai muốn rời xa nhau cả. Có người từng muốn xin, nhưng vợ chẳng cho”.
Anh Nam bộc bạch: “Con đông cũng có cái sướng, như gặt một ruộng lúa, mỗi người một việc nên xong sớm lắm. Còn những gia đình khác ít con làm cái gì cũng phải thuê, còn mình huy động một tý là có chục đứa làm.
Sau này bọn chúng lớn lên, đứa đi làm thuê, học nghề có việc làm, tiền sẽ đưa về nhiều hơn công chức Nhà nước ấy chứ!”.