Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cao Mưu, Tồng thư ký Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, việc ngư dân Lý Sơn tố nhiều tàu quân sự Trung Quốc nổ súng uy hiếp không phải bây giờ mới diễn ra. Theo ông Mưu, trước đó, Trung Quốc đã liên tục có các hành động ngang ngược, tấn công tàu cá Việt Nam.
"Không phải thời gian này mà từ trước đó phía Trung Quốc đã có những hành động thô bạo, ngang ngược với ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân Lý Sơn nói riêng khi tiến hành khai thác thủy sản trong vùng biển chủ quyền của chúng ta ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Cách đây hàng chục năm, khi ngư dân chúng ta tiến hành khai thác trong vùng biển chủ quyền đã được cả thế giới công nhận thì phía Trung Quốc đã xua đuổi, ngăn chặn. Thậm chí đánh đập ngư dân, cướp, phá tài sản và hơn thế, đã có lần họ bắn lên tàu làm cháy hết cả tàu của ngư dân Việt Nam. Những vụ việc đó, đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho ngư dân Việt.
Đặc biệt hơn, từ đầu tháng 5 tới nay, cùng với việc tiến hành hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam thì những hành động ngang ngược, thô bạo của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam càng thể hiện rõ ràng hơn. Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều tàu lớn, trong đó, có các tàu ngư chính, tàu hải cảnh, hải giám, tàu cá vỏ sắt và hơn thế là cả các tàu quân sự, máy bay để làm nhiệm vụ xua đuổi, ngăn cản, phun vòi rồng, đâm, va, húc các tàu thực thi pháp luật và tàu cá của ngư dân chúng ta.
Đặc biệt, khi xem những hình ảnh tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, không chỉ người dân Việt Nam mà nhân dân thế giới đều bày tỏ sự căm phẫn, cực lực lên án hành động này. Có thể nói, đây là hành động không thể chấp nhận được đối với một nước được cho là lớn và giữa con người với con người mà lại có cách hành xử như thế là vô nhân tính...", ông Mưu nói.
Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam.
Ông Mưu cũng nhấn mạnh, Hội nghề cá Việt Nam ủng hộ ngư dân Đà Nẵng trong việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa.
"Về mặt quan điểm, chúng tôi ủng hộ chủ tàu trong việc phối hợp với Hội nghề cá Đà Nẵng và luật sư tiến hành các thủ tục cần thiết để khởi kiện Trung Quốc ra tòa. Chúng tôi cũng đang cùng với các Hội nghề cá địa phương tập hợp chứng cứ về những tàu thuyền cách đây hàng chục năm đã bị Trung Quốc ức hiếp, cướp phá, xua đuổi, gây tổn hại... để thông qua Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các nhà hiểu biết về luật pháp tư vấn, giúp đỡ để từ đó có cơ sở khởi kiện Trung Quốc ra tòa, yêu cầu họ phải nhận thức rõ trách nhiệm, bồi thường cho ngư dân Việt Nam", ông Mưu bày tỏ.
Trước thông tin về âm mưu của Trung Quốc trong việc tiến hành biến các đảo chìm ở Trường Sa mà họ xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 đến nay thành đảo nổi, căn cứ quân sự vững chắc, ông Mưu nhận định, hành động, âm mưu này còn nguy hiểm hơn nhiều lần việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
"Việc Trung Quốc âm mưu biến các đảo chìm ở Trường Sa mà họ xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 đến nay thành đảo nổi, căn cứ quân sự vững chắc là bước tiếp theo của Trung Quốc thực hiện âm mưu xâm lược, thôn tính và thâu tóm vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đây cũng là mưu đồ để thực thi cái gọi là đường "lưỡi bò" 9 đoạn sai trái của Trung Quốc.
Bản chất việc Trung Quốc biến Gạc Ma và một số đảo chìm khác ở Trường Sa thành đảo nổi nhân tạo là sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia đối với quần đảo Trường Sa chứ không còn là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam như vụ giàn khoan Hải Dương 981.
Thêm vào đó, về mặt quân sự, an ninh, nếu một sân bay, cầu cảng hiện đại mọc lên tại Gạc Ma hay các đảo khác sẽ nhân sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại khu vực Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam và từ đó uy hiếp trực tiếp các hoạt động vận tải, tiếp tế từ đất liền ra đảo, đe dọa tự do hàng hải quốc tế qua khu vực Biển Đông...", ông Mưu nhấn mạnh.
Để đối phó với những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc, theo ông Mưu, các lực lượng thực thi pháp luật cũng như ngư dân cần phải hết sức tỉnh táo, kiên cường bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng ở các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
"Ở đây, phải khẳng định rằng, chúng ta là chủ của vùng Biển Đông thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và việc Trung Quốc xâm phạm là hành động hết sức ngang ngược, sai trái. Nếu Trung Quốc có những hành động ngang ngược, thô bạo hơn thì chúng ta cũng phải bình tĩnh, tỉnh táo và kiên quyết không sợ, không nhụt chí.
Với trách nhiệm của mình, trong thời gian qua và sắp tới, Hội nghề cá Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục ra khơi, bám biển để phục vụ cuộc sống mưu sinh và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc", ông Mưu cho hay
Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cao Mưu cũng bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc trước những phát ngôn, tuyên bố hết sức hung hăng, ngang ngược của tướng "diều hâu" La Viện của Trung Quốc.
"Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, theo dõi các phát ngôn của ông tướng La Viện này thì không chỉ tôi mà mọi người dân đều bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ. Bởi lẽ, đây là một vị tướng hết sức ngang ngược và thiếu nhân cách, thô bạo. Tôi cho rằng, đã lên đến cấp tướng của Trung Quốc thì trước khi phát biểu bất cứ một điều gì, ông hãy nghĩ đến tình hữu nghị vốn có, lâu đời của hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc. Người dân Việt Nam luôn luôn nghĩ đến và tôn trọng tình hữu nghị của hai dân tộc.
Thêm vào đó, ông ta cũng hãy nghĩ xem Trung Quốc đã làm được gì với những tuyên bố về tình hữu nghị với Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc có đúng với lương tâm, với đạo lý, công pháp quốc tế không hay là hoàn toàn ngang ngược, saitrái", ông Mưu bày tỏ.
Với sự bức xúc của mình, ông Mưu thẳng thắn: "Nếu tôi có cơ hội gặp được vị tướng diều hâu này, tôi rất muốn tặng cho ông ta một cặp kính có chức năng phóng to như kính lúp.
Bởi lẽ, đã có rất nhiều tài liệu, bản đồ được công bố, được đưa ra triển lãm khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và lãnh thổ của Trung Quốc như bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của TQ được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Nhưng có lẽ, mắt của tướng La Viện và nhiều nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc kém nên không nhìn thấy điều này. Vì vậy, tôi muốn tặng cặp kính này để ông La Viện và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc nhìn rõ hơn các tấm bản đồ xa xưa đó của Trung Quốc, các bản đồ Việt Nam đã được thế giới công nhận xem Hoàng Sa, Trường Sa là của ai.
Tôi cũng muốn nhắn với ông La Viện rằng, là một vị tướng mong ông hãy nâng cao hơn nữa trách nhiệm với dân tộc mình, đừng đưa tính thô bạo của nhà quân sự ra. Chúng ta hãy biết tôn trọng các dân tộc khác và điều đó chính là đang tôn trọng dân tộc mình".
Hình ảnh rõ nét tàu chiến TQ hiện diện quanh giàn khoan
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA