Cao tốc vừa thông xe đã nứt: Chỉ là 'chuyện thường ngày ở huyện'

“Đường vừa làm xong đã lún, nứt cũng chỉ là điệp khúc bấy lâu nay, mà dễ thấy nhất là cao tốc TP HCM – Trung Lương, Ninh Bình – Cầu Giẽ, giờ đến Nội Bài – Lào Cai”.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết khi trao đổi với PV trước thực trạng cao tốc hiện đại nhất Việt Nam vừa hoàn thành đã bị lún, nứt.

Chỉ một vài ngày sau khi thông xe đã có đoạn trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai bị lún nứt. Cá nhân ông có thấy lạ về điều này?

Đường bình thường hay cao tốc vừa làm xong đã xuống cấp, lún nứt cũng chỉ là một điệp khúc từ bấy lâu nay, mà dễ thấy nhất là cao tốc TP HCM – Trung Lương, Ninh Bình – Cầu Giẽ, giờ đến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Vừa qua, tôi có đến 6 nước châu Âu, đi trên cao tốc của họ không hề có lún, rất hoàn mỹ. Có được điều này do họ xử lý kỹ thuật rất đảm bảo, còn ở ta thì ngược lại. Vị trí xảy ra sự cố trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai do việc xử lý nền đất yếu không tốt, khi có tải trọng sẽ bị nứt ngay. Sự yếu kém về công nghệ và kỹ thuật là điều khó có thể chấp nhận.

Tuy nhiên, theo lý giải của chủ đầu tư – Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thì họ đã lường trước được những điều này, thậm chí còn cắm biển theo dõi lún nứt tại những vị trí nền đất yếu. Vậy có thể hiểu việc lún nứt xảy ra tại cao tốc Nội Bài – Lào Cai là bất khả kháng?

Khi đã làm một công trình giao thông thì ở quốc gia nào cũng vậy cả thôi. Nơi nào cũng có thể xảy ra nền đất yếu, mạch nước ngầm, lầy lội… Tuy nhiên tất cả những điều này trong kỹ thuật đã có quy định rồi. Những nguyên nhân này không có gì mới mẻ cả và các công trình giao thông đều phải khắc phục.

Theo ông nguyên nhân dẫn đến hệ quả này do đâu?

Có lẽ do cơ chế giám sát công trình không được chặt chẽ, thậm chí có sự buông lỏng, dễ dãi với nhau. Chúng ta thấy các công trình hiện nay thường có tình trạng tuyến đường nào cũng đội giá, thời gian kéo dài, rồi chất lượng kém. Nguyên nhân vì sao? Đơn giản vì cơ chế không chặt, cố tình buông lỏng cho nhau. Nhìn chung, việc giám sát chất lượng công trình giao thông chưa nghiêm túc, chưa làm hết trách nhiệm.

Chỉ nói riêng về cơ chế giám sát giá, lẽ ra mỗi công trình phải giao cho một đơn vị giám sát độc lập thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc này. Chẳng hạn mỗi công trình anh chỉ được tăng giá tối đa 15%, và không thể cho phép tăng tới 2 – 3 lần được.

TS Nguyễn Xuân Thủy không ngạc nhiên khi cao tốc vừa làm xong đã xảy ra lún nứt

Công trình đội giá, xuống cấp kém hiệu quả…Vậy trách nhiệm này sẽ thuộc về ai?

Ở nước ngoài công trình nào cũng phải có người chịu trách nhiệm. Đã liên quan đến trách nhiệm thì phải có chủ, chứ không thể là trách nhiệm tập thể được.

Khi đã bị gắn trách nhiệm cá nhân thì người đó sẽ phải ý thức xây dựng bộ máy thật tốt để triển khai công trình cho thực sự hiệu quả. Như thế sẽ hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra. Nếu họ làm tốt sẽ được thưởng, ngược lại làm kém sẽ bị xử lý, thậm chí còn bị truy tố trước tòa.

Còn chúng ta lại chẳng ai đứng ra chịu trách nhiệm đối với mỗi công trình, không có sự ràng buộc trách nhiệm cá nhân. Thậm chí còn không xử lý một cách nghiêm túc khi xảy ra sự cố công trình.

Đã có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nước ta hiện nay, ngành giao thông nên tập trung đầu tư phát triển cho mạng lưới giao thông đô thị thay vì đầu tư cho đường cao tốc. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cũng cho rằng chiến lược phát triển ngành giao thông của chúng ta chưa hợp lý. Nguyên tắc cơ bản của đầu tư là phải làm cái gì để mang lại hiệu quả nhất. Chúng ta đang quá chú ý đến đầu tư hệ thống sân bay, cảng biển, đường cao tốc…mà chưa quan tâm đúng mức tới giao thông đô thị, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.

Chúng ta đang giảm đầu tư cho những nơi cần thiết nhất và lại đầu tư cho những cái hiệu quả thấp hơn, nói cách khác là đang đón đầu quá xa. Tôi không phủ nhận hiệu quả từ đường cao tốc, nhưng chẳng hạn với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, bỏ mức đầu tư rất lớn, nhưng đổi lại chúng ta thử xem có bao nhiêu lượng xe chạy mỗi ngày?

Cũng với số tiền đó chúng nếu ta ưu tiên đầu tư phát triển tàu điện ngầm cho đô thị thì lưu lượng vận chuyển sẽ vô cùng lớn, và sẽ giảm ùn tắc, tai nạn giao thông… Điều này sẽ giúp các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên chúng ta vẫn coi giao thông đô thị là giao thông địa phương nên ít chú trọng đầu tư. Nếu chiến lượng phát triển giao thông không hợp lý sẽ dẫn đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư thấp, điều này ngành giao thông cần hết sức lưu tâm.

Xin cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại