>>> Cao tốc dài nhất Việt Nam nứt hơn 10 mét sau 2 ngày thông xe
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: "Sẽ còn một số điểm khác trên toàn tuyến sẽ hỏng trong quá trình khai thác, việc này đã nằm trong kế hoạch từ trước đó. Sự việc sẽ được khắc phục để đảm bảo lưu thông. Khi nào hết lún sẽ hoàn chỉnh theo đúng thiết kế. Kinh phí khắc phục sẽ hoàn toàn do nhà thầu chịu".
Ông Lê Kim Thành – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đường cao tốc VN (VEC) cho biết: Khu vực xảy ra lún nứt nằm trong điểm chờ lún để xử lý nền đất yếu nên đã được VEC cắm biển báo.
Về nguyên nhân xảy ra lún nứt, ông Thành giải thích: Sau hai đợt mưa lớn do ảnh hưởng của 2 cơn bão số 3 và số 4 đã xuất hiện các cung nứt nhỏ nằm trong phạm vi 75m. Do nằm ở vị trí chờ xử lý đất yếu với hai bên là ruộng ngập nước nên tình trạng gây nứt nền mặt đường có thể xảy ra sớm hơn so với dự kiến.
Cũng theo ông Thành, sự việc này đã tiên lượng từ trước, nhưng qua hai đợt mưa chồng mưa có thể bão hòa nên đã xảy ra lún nứt nhanh hơn, hiện VEC đang tiến hành cho khoan khảo sát bổ sung.
Trưa nay 24/9, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam xác nhận hiện tượng nứt mặt đường tại Km83 trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài nhất Việt Nam vừa được thông xe toàn tuyến vào ngày 21/9 vừa qua.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km phải chạy qua nhiều vùng địa chất, thủy văn phức tạp giao thoa nhau. Trong suốt quá trình từ khi thiết kế đến thi công, VEC luôn đặt vấn đề kiểm tra khảo sát và thực hiện các giải pháp nhằm bền vững hóa công trình lên hàng đầu. Nhiều biện pháp đã được áp dụng để xử lý những đoạn nền đất yếu. Cuối tháng 8 vừa qua, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành đủ điều kiện thông xe, tuy nhiên vẫn còn 10 vị trí cần tiếp tục theo dõi đất yếu, lún trong quá trình khai thác để hoàn thiện khi các đoạn nền đất yếu này đã ổn định, tắt lún tập trung trên các gói thầu A2, A3 và A4.
Thông tin này cũng đã được VEC thông tin đến các cơ quan báo chí truyền thông tại cuộc họp báo tổ chức ngày 27/8 trước khi thông xe toàn tuyến và các vị trí này đều được lắp dựng biển thông báo đoạn đường theo dõi đất yếu/lún.
Vị trí xuất hiện vết rạn nứt tại Km 83 chính là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được VEC tiên lượng trước và đã lắp dựng biển theo dõi đất yếu/lún tại Km82+500 - Km83+500. Đoạn tuyến này thuộc gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam trúng thầu, trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu.