Theo ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), vết nứt xuất hiện từ km82 đến km83, tạo thành vòng cung dài 73m, thuộc xã Phùng Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Đây là một trong 8 đoạn đường nằm trong cảnh báo theo dõi lún. Qua kiểm tra thực tế và theo hồ sơ thì ở vị trí này có nền đất yếu rất đặc đặc thù bởi trên mặt cắt ngang của nền đường phân bố lớp đất yếu không đều và có độ nghiêng 30 độ. Vì thế khi nền đường đắp đủ tải trọng nhưng quá trình vận động tự nhiên dẫn đến việc trượt trên mặt phẳng nghiêng và gây ra vết nứt trên mặt đường.
Ông Lâm khẳng định: "Các biệp pháp xử lý nền đất yếu các các nhà thầu có thể chưa phù hợp nên ở các đoạn này không phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy phải khảo sát lại và đánh giá và toàn bộ trách nhiệm về việc này. Nhà thầu thi công xây dựng là người phải chịu trách nhiệm và khắc phục các vết nứt này".
Cũng Theo ông Lâm, Tổng Công ty Phát triển đường Cao tốc Việt Nam đang tiến hành khoan địa chất công trình tại vị trí nứt nêu trên. Phương án xử lý sẽ phụ thuộc vào kết quả khoan địa chất này. Sau đó và trách nhiệm khắc phục sẽ thuộc về nhà thầu. Đây là gói thầu số 4 thuộc nhà thầu Keangnam thi công.
Nhiều chuyên gia đã nêu quan điểm xung quanh sự việc xuất hiện vết nứt, lún trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn thuộc khu vực km83 đoạn từ Yên Bái về Phú Thọ.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, sự cố trên lại một lần nữa gây ra tai tiếng cho ngành bởi đây là dự án cao tốc dài nhất Việt Nam, vừa được khánh thành nhưng xe chưa chạy bao nhiêu thì ngay buổi chiều có xe lật. Kế đến, hai ngày sau lộ ra chuyện nứt. Đã vậy, chủ đầu tư còn tuyên bố “đã biết trước nhưng không ngờ nó lún, nứt sớm hơn dự liệu”. Nếu VEC (Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam) tiên lượng trước có lún vậy sao không kiểm tra kỹ càng trước khi thông xe.
“Đương nhiên còn lún cũng được thông xe nhưng mức độ lún sẽ không còn nhiều (ở mức 2%-5%) và với mức này thì khi chạy xe cũng khó phát hiện. Thực tế, lún ở tuyến cao tốc này rất nhiều mà vẫn cho thông xe là sai quy chuẩn” - TS Sanh nói.
Theo TS Sanh, việc đổ do mưa lớn của hai cơn bão cũng không ổn mà khuyết tật này chỉ có thể phát sinh từ vấn đề chất lượng. Cũng xin nói thêm, nếu đất khu vực này yếu sẽ gây ra hiện tượng biến dạng, làm mặt đường lồi lõm chứ không phải gây ra hiện tượng xé mặt bê tông nhựa theo vòng cung như thực tế. Ở đây có thể là do chất lượng thi công hoặc vật liệu không đảm bảo. Do vậy cần phải kiểm tra lại từ đầu đến cuối, xem lại kết quả khảo sát. Nếu đúng như VEC tuyên bố thì phải xem xét lại thiết kế cấp phối vật liệu chưa đúng hay do quá trình thi công không đảm bảo yêu cầu.
Tương tự, lãnh đạo một công ty trực thuộc Bộ GTVT chuyên thực hiện các dự án giao thông cũng cho rằng ở các đoạn đường đi qua vùng đất yếu thường sử dụng các biện pháp làm tăng nhanh độ lún của nền đất yếu như bấc thấm, giếng cát... Song sau khi hoàn thành, nó vẫn có thể là đường chờ lún và thời gian lún có khi cần cả chục năm.
Tuy vậy, khiếm khuyết phát sinh do nền đất yếu là lún cả một đoạn đường và tạo ra độ dốc dọc hai đầu đoạn đường lún với phần còn lại không xử lý lún chứ không như ở tuyến cao tốc này. “Qua hiện tượng mặt đường đứt, nứt dọc và nứt chéo tim đường có thể nhận định rằng một nửa của nền đường qua vùng đất yếu ở dự án này đã chưa được phát hiện khi khảo sát và thi công. Như vậy nền đường đã không được xử lý trước, dẫn đến hiện tượng lún như hiện nay” - vị này nói và cho rằng với vết nứt dọc tim, xé nền đường thành hai khối riêng biệt như vậy là do thi công, đắp cao nền đường không đồng đều, không đảm bảo chất lượng đã gây ra.
Theo ông Phạm Sỹ Liên, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân xảy ra lún, nứt có thể là do lu lèn đường không đảm bảo về mặt thời gian. Ví như đắp nền đường, tiến hành lu lèn xong thì phải để qua một mùa mưa xem tình trạng lún như thế nào rồi mới tiến hành rải thảm, theo dõi và đưa vào sử dụng. Nhưng có thể do chạy đua tiến độ nên đã không đảm bảo về mặt thời gian dẫn đến khi đưa vào sử dụng thì bị lún, nứt.
Trong một diễn biến khác, kỹ sư xây dựng Nguyễn Đăng Tâm, nguyên là cán bộ thi công ở TCty Sông Đà nhận định: “Việc theo dõi nứt, lún là trách nhiệm của chủ đầu tư. Khi đưa con đường vào sử dụng là phải tuân thủ nghiêm túc về độ an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt là các dự án đường sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài càng phải nghiêm túc thực hiện. Nếu cứ nói là đường làm xong, nhưng đang theo dõi lún thì ai cũng làm đường được và nói được. Một công trình còn liên quan đến chuyện thanh toán dự án nữa. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ, hệ lụy sẽ khó lường”.
Bình luận về chuyện đường cao tốc dài nhất Việt Nam bị nứt chỉ sau 2 ngày thông xe, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng Phòng Giám định 1 - Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nói: “Tôi chưa thấy đường cao tốc của nước nào đã đưa vào sử dụng rồi nhưng vẫn cắm biển “đoạn đường đang chờ lún” như các tuyến cao tốc ở Việt Nam”.
Vị trí nứt mặt đường trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Võ Định/ Người Lao Động.
Theo một chuyên gia thuộc Hội đồng Nghiệm thu nhà nước về công trình xây dựng, các đường cao tốc ở Việt Nam đều chạy qua nhiều địa hình thủy văn phức tạp nên việc xử lý chống lún gặp không ít khó khăn và phải có tính toán khoa học. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua 5 địa phương với địa hình đồi núi, sông ngòi, ruộng ngập nước sình lầy khó tránh khỏi việc lún sau một thời gian khai thác. Tuy nhiên, việc xử lý nền đất yếu phải bảo đảm kỹ thuật để độ lún nằm trong giới hạn cho phép, những vị trí lún phải có hướng xử lý kịp thời để an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.