LTS: Sau khi Báo điện tử Trí thức trẻ đăng tải loạt bài điều tra về hiện tượng các trưởng tàu, nhân viên nhà tàu đưa hành khách đi chui trốn vé trên các tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai và đặc biệt sau bài viết "Nhân viên nhà tàu đưa khách đi chui chỉ bị chuyển làm vệ sinh", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả.
Độc giả Phạm Hồng Hưng bày tỏ chưa "tâm phục, khẩu phục" với các quyết định xử lý nhân viên vi phạm của Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến này. Mời độc giả cùng theo dõi:
Hơn một tuần qua, tôi cũng như nhiều bạn đọc khác đã theo dõi rất kỹ các bài viết trong loạt điều tra được đăng tải liên quan đến hiện tượng các trưởng tàu, nhân viên nhà tàu đưa khách đi chui, trốn vé trên các tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai.
Là một hành khách từng nhiều lần đi tàu, cá nhân tôi thấy rằng, đây không phải là một hiện tượng tiêu cực mới ở các tuyến, trên các tàu nhưng việc bị phanh phui một cách rõ ràng như thế này là một điều rất đáng hoan nghênh, đánh giá cao. Theo dõi từng bài báo, chúng tôi đã thực sự rất bức xúc trước những hiện tượng tiêu cực, sự tha hóa của một bộ phận cán bộ, nhân viên trên các tuyến tàu.
Chỉ vì sự tư lợi cá nhân, vì đồng tiền họ đã bất chấp tất cả, bỏ qua đạo đức nghề nghiệp, các quy định an toàn, quy định về mật độ hành khách trên mỗi tòa tàu. Một vấn đề mà cá nhân tôi cũng thấy cần phải đề cập đó là, nếu chẳng may xảy ra sự cố thì những hành khách không có vé này sẽ thế nào đây. Ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi, lợi ích của họ. Trường hợp xấu hơn, nếu khách đi chui mang hàng cấm lên tàu, cơ quan chức năng có bắt nổi không? Họ gây chuyện xấu trên tàu thì hành khách khác sẽ ảnh hưởng thì ai chịu trách nhiệm?
Tôi đã đọc 1 bài báo nói về bức thư của người làm trong ngành đường sắt phản hồi mà quý báo nêu. Thư đó rất hay. Tôi ngạc nhiên khi họ dùng những từ ngữ: "khốn nạn" và đủ những câu tỏ ý bức xúc khi thấy báo chí phê phán tiêu cực của họ. Ai cũng biết bát cơm mất cả mồ hôi, nước mắt mới có được. Họ cho rằng, để xảy ra tiêu cực như vậy cũng dễ hiểu, bởi lẽ, lương của các nhân viên này hiện đang rất thấp, không đủ lo cho cuộc sống của gia đình, chính vì lẽ đó, họ phải làm liều, phải "lách". Nói như thế liệu mọi người có cảm thông không? Xin thưa là có. Nhưng nếu lấy đó là lý do để biện minh cho những hành vi tiêu cực, trái với các quy định thì không thể chấp nhận được.
Còn biết bao nhiêu ngành nghề, bao nhiêu cán bộ, nhân viên của các lĩnh vực khác, họ cũng đang hưởng mức lương thấp, đang sống trong cảnh khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn kiên quyết nói không với tiêu cực, với thành tích. Nếu cứ nói tôi nghèo, tôi đói mà làm việc trái quy định, thậm chí là vi phạm pháp luật để có tiền thì có được không?
Chúng ta chỉ có thể cảm thông còn không thể nào chấp nhận, dung túng cho những hành vi này được. Phải xử lý nghiêm minh, phải kiên quyết loại trừ những "con sâu làm rầu nồi canh" này, đó là điều mong mỏi chắc chắn không chỉ của riêng tôi mà của nhiều hành khách đã, đang và sẽ còn sử dụng các dịch vụ của ngành đường sắt.
Sau khi theo dõi việc xử lý các nhân viên vi phạm của Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội, cá nhân tôi thấy chưa thể chấp nhận với những biện pháp được đưa ra còn quá nương nhẹ, chưa đúng với các quy định do chính ngành đường sắt ban hành.
Đối với việc xử lý nhân viên Đào Văn Linh, như bài báo đã đưa, ngày 5/9, tại ga Hà Nội, nhân viên này đã chủ động mời khách nằm giường ghép ở toa số 3 của đoàn tàu SP3 đi Lào Cai mà không cần mua vé tàu theo quy định.
Sau khi đưa khách đi tàu chui trót lọt, anh Linh đã thu của khách 400.000 đồng và đưa cho khách 1 vé đón tiễn để ra khỏi nhà ga.
Với hành vi trên, theo góc nhìn của cá nhân tôi, có thể thấy rõ, nhân viên Linh đã cố tình đưa khách đi tàu không vé, dùng vé tiễn qua mặt cửa soát vé để trục lợi cho cá nhân mình.
Số tiền anh này lấy của khách là 400.000 đồng, theo tôi nhớ không nhầm là còn cao hơn mức mà ông Hà Thanh Bình, Phó giám đốc xí nghiệp từng đưa ra trên báo sẽ xử lý chấm dứt hợp đồng và sa thải nhân viên vi phạm.
Hay đối với nhân viên Đỗ Việt Đức cũng chỉ bị chuyển sang làm công tác vệ sinh toa xe mà không bị sa thải như quy định...
Việc xử lý như vậy, rõ ràng là chưa nghiêm minh, chưa tạo ra được sức răn đe đối với những đối tượng còn có ý định thực hiện những hành vi tiêu cực.
Chúng ta có thể lấy chữ tình nhưng đó chỉ là một yếu tố rất nhỏ để xem xét chứ không thể lấy điều đó ra để quyết định việc xử lý cán bộ, nhân viên. Sai phạm đến đâu thì phải xử lý đến đó, dù người vi phạm ở cấp nào đi chăng nữa thì cũng không được có sự nương nhẹ. Điều đó mới thể hiện được tính nghiêm minh, tạo niềm tin tưởng của người dân.
Ở đây, cá nhân tôi và chắc chắn không ít người khác cũng không khỏi hoài nghi, phải chăng, có sự nương nhẹ trong việc xử lý là do có một mối quan hệ nào đó giữa các cán bộ, nhân viên này với những người ở cấp cao hơn hay để thực hiện những hành vi tiêu cực trên đã có một sự móc nối, chia chác nào đó từ cán bộ đến nhân viên trong đơn vị?
Điều này, tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần phải làm rõ ràng, minh bạch.
Một điều khác cũng cần nhấn mạnh, đó là ở cấp thấp trong ngành khi phát hiện vi phạm, tiêu cực mà không xử lý nghiêm minh như thế này thì càng lên cấp cao hơn chắc chắn là sự "chiếu lệ, bỏ qua" là khó tránh khỏi.
Nói cách khác khi những "con sâu" mặc dù đã bị phát hiện nhưng không bị diệt mà chỉ bị bỏ ra đám cỏ khác thì chắc chắn nó sẽ còn quay lại và không ai có thể dám chắc rằng, không có cả một bầy sâu sẽ tụ lại sau đó, gây ra sự nhũng nhiễu, tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Tôi không phải là quan tòa cũng không phải là người có thẩm quyền quyết định việc xử lý nhưng cá nhân tôi và hàng triệu hành khách khác của ngành đường sắt đều bày tỏ mong muốn, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng lỗi của những cán bộ, nhân viên vi phạm, từ đó, tạo niềm tin tưởng đối với hành khách nói riêng và nhân dân nói chung...
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả