>>>Gần chục người đi đường bị bỏng vì chất độc từ xe ô tô hắt ra
Như chúng tôi đã thông tin, vào khoảng 17h50 ngày 9/6, trên QL5, tại khu vực ngã tư Trâu Quỳ thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội, khi cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế lái chiếc xe tải 2,5 tấn mang BKS: 29Y – 1740 chứa chất lỏng là axit đã cố tình bỏ chạy khoảng 10 km mới chịu dừng khiến hàng chục người bị “tạt” axit dẫn đến bị thương.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng:
"Hành vi gây ra của tài xế này là hết sức nguy hiểm, không thể chấp nhận được cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức. Là một lái xe vận chuyển mặt hàng có nguy cơ gây nguy hiểm cao cho người khác thì anh phải cùng với các bên có liên quan làm sao sử dụng các thiết bị đạt tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vận chuyển.
Nhưng ở đây, như thông tin được phản ánh trên báo chí thì việc vận chuyển này rõ ràng không đảm bảo an toàn, không những thế, khi cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe lái xe còn cố tình bỏ chạy đến gần 10km rồi mới dừng khiến nhiều người bị thương do axit trong xe "tạt" ra. Hành vi này cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh...", Luật sư Tiến cho hay.
Luật sư Tiến cũng nhấn mạnh, nếu đúng thông tin như đã phản ánh thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự đối với hành vi của tài xế này.
"Ở đây có thể thấy, tài xế xe tải này đã vi phạm rất nhiều lỗi. Trước tiên, việc tài xế xe tải này để axit trên xe liên tục hắt ra gây bị thương người đi đường đã vi phạm các quy định về việc phải đảm bảo an toàn trong vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại Nghị định số 10/2009/NĐ - CP của Chính phủ.
Thứ hai, mặc dù cảnh sát giao thông đã ra hiệu lệnh dừng xe nhưng tài xế xe tải này vẫn bỏ chạy khoảng 10 km mới chịu dừng khiến hàng chục người bị “tạt” axit dẫn đến bị thương đã vi phạm luật giao thông đường bộ và tùy theo mức độ, đây còn có thể bị xử lý theo hành vi chống người thi hành công vụ.
Hơn thế, với việc để axit "tạt" nhiều người đi đường bị thương thì hoàn toàn có thể xử lý tài xế này theo tội cố ý gây thương tích được quy định tại điều 104 Bộ Luật hình sự. Ở đây, cơ quan chức năng cần xem xét, làm rõ mức độ hành vi cũng như tiến hành trưng cầu giám định mức độ thương tật của những người đi đường bị axit trên xe hắt ra gây bị thương, để có thể đưa ra mức xử lý phù hợp, nghiêm khắc, mang tính răn đe cao với lái xe này...", Luật sư Tiến nói.
Cũng theo Luật sư Tiến, thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều trường hợp, lái xe có những hành vi gây nguy hiểm cho người đi đường, khi bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra thì lại có hành vi bỏ chạy, thậm chí có hành vi nguy hiểm, chống lại người thi hành công vụ.
"Vì vậy, trong thời gian tới ngoài việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của các tài xế lái xe thì các cơ quan chức năng cũng cần phải có những chế tài mạnh hơn để xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm, đồng thời tạo ra tính răn đe, ngăn chặn tình trạng tái diễn hành vi tương tự có thể xảy ra...", Luật sư Tiến bày tỏ.
Theo xác minh từ Đội CSGT số 5, danh tính lái xe tải này đã được làm rõ là Nguyễn Minh Tuấn (SN 1979), trú tại Yên Viên, Gia Lâm. Ngay sau khi chiếc xe tải chạy vào kho, số chất lỏng trong téc đã được xử lý kịp thời tránh gây nguy hiểm cho người dân.
Hiện tại Đội CSGT số 5 đã bàn giao vụ việc cho Công an huyện Gia Lâm xử lý theo thẩm quyền.
Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”