"Cần khuyến khích bà mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng... đi học"

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo lãnh đạo Cục người có công (Bộ LĐ - TB & XH) cho rằng, về lý thuyết các Bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn có thể đi học...

Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 4/7 về sửa đổi bổ sung đối tượng ưu tiên cộng điểm thi đại học gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Cụ thể, trong thông tư bổ sung 7 đối tượng ưu tiên ưu tiên 03 bao gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng tám năm 1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng.

Đồng thời, Thông tư sửa đổi đối tượng ưu tiên “con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945” thuộc đối tượng 04 thành “con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”.

Theo quy định của Bộ, những đối tượng này được cộng 2 điểm khi thi đại học, cao đẳng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/8/2013.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Báo Đồng Nai).

Theo thông tư sửa đổi của Bộ Giáo dục, bà mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học sẽ được cộng 2 điểm. (Ảnh minh hoạ/ nguồn: Báo Đồng Nai).

Trao đổi với chúng tôi vào chiều ngày 10/07/2013, ông Tạ Vân Thiều, Phó Cục trưởng Cục người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, về mặt lý thuyết thì các Bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn có thể đi học.

"Theo quy định, một bà mẹ có một con độc nhất là liệt sĩ thì đấy là Bà mẹ Việt Nam anh hùng và ở Việt Nam có nhiều Bà mẹ có một con như vậy.

Ở đây, một cháu nhỏ hơn 10 tuổi con duy nhất trong một gia đình nhưng đã có hành động dũng cảm là lao vào dòng nước lũ cứu bạn nhưng không may bị nước lũ cuốn trôi, qua đời, sau đó cháu được tuyên dương, suy tôn là liệt sĩ thì mẹ của cháu là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Về mặt lý thuyết, khi mẹ cháu đó sinh ra cháu có thể là lúc chưa đầy 20 tuổi, đến lúc cháu hy sinh, được truy tặng danh hiệu liệt sĩ, cộng cả tuổi mẹ và tuổi con vào thì Bà mẹ Việt Nam anh hùng mới chỉ ngoài 30 tuổi là cùng. Và ở độ tuổi này, việc có thể đi học là bình thường. Vì thế ở đây, cần phải xem xét Bà mẹ Việt Nam anh hùng là ai...", ông Thiều nói.

Ông Thiều cho hay thực tế, trong thời gian qua đã có một số bà mẹ chỉ có 1 con hy sinh trong thời bình được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đồng thời, cũng theo ông Thiều, trong thời gian sắp tới đây sẽ có những Bà mẹ Việt Nam anh hùng trẻ tuổi như trên ở một số địa phương được phong tặng danh hiệu vì lý do như vậy.

"Trong xã hội học tập, đa dạng hoá, đa phương hoá các loại hình đào tạo như hiện nay thì việc, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các bậc lão thành cách mạng đi học là điều cần phải khuyến khích và thực tế, đã có không ít bậc lão thành cách mạng, dù tuổi cao nhưng vẫn tích cực học tập", ông Thiều nói.

Xung quanh việc ban hành Thông tư số 24, trong đó có cộng 02 điểm khi thi đại học, cao đẳng cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, theo ông Thiều, thông thường những vấn đề chính sách liên quan đến người có công Bộ Giáo dục và Đào tạo thường thông tin với Cục người có công, tuy nhiên:

"Thông tư mới này được Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành nhưng không thấy thông tin với chúng tôi", ông Thiều nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại