Y Quyết được người cậu Y Thế Knul (40 tuổi, trú cùng buôn) truyền dạy kỹ năng làm quản tượng khi cậu bé lên 7 tuổi.
Trước đây, ông Y Thế từng là một nài voi nổi tiếng khắp vùng Buôn Đôn nên có nhiều kinh nghiệm trong việc truyền đạt lại các ý tưởng cho các nài voi nhí.
Trong đó, Y Quyết được coi là truyền nhân xuất sắc, 9 tuổi đã điều khiển được chú voi Gen đưa khách đi du lịch.
Ở mảnh đất Buôn Đôn huyền thoại, để tìm người truyền đạt kỹ năng quản voi không khó, nhưng để tìm được người đáp ứng với các điều kiện trở thành nài voi không dễ chút nào.
Ông Y Thế cho biết: “Trong gia đình, anh em họ hàng nhà tôi, có tới mấy chục đứa từ 7 đến 18 tuổi – độ tuổi thích hợp để đào tạo thành quản tượng, nhưng chỉ có Y Quyết đáp ứng được yêu cầu, Quyết rất yêu voi”.
Nhận thấy Y Quyết là người gần gũi với voi, quý voi như bạn, khi gần voi cậu thường vuốt ve, vỗ về, khi xa thì nhớ thương nên ông Y Thế đã quyết định “thu nạp” Quyết làm đệ tử để đào tạo cậu thành quản tượng từ năm Quyết mới 7 tuổi.
Sau 2 năm được cậu chỉ bảo, Quyết đã học được nhiều bí kíp để có thể điều khiển, dẫn dắt chú voi làm theo ý của mình.
Theo quản tượng nhí này, đến nay cậu đã học thuộc các khẩu lệnh để tự mình có thể đưa voi vào rừng kiếm thức ăn.
Thấy chú voi Gen đang thong dong bước trên đường mòn trong rừng Yok Đôn, Y Quyết tiến lại gần đưa tay về phía trước đọc khẩu lệnh: “Hau”, lập tức con voi dừng lại. Quyết tiếp tục cao giọng: “Trum”, lập tức chú voi quỳ xuống.
Quyết trèo lên lưng voi rồi vỗ vào mình của nó hô vang: “Truth”, lập tức voi Gen đứng dậy. Sau đó, cậu bé nói từ cuối: “Hăng”, chú voi Gen tiếp tục bước đi theo khẩu lệnh của chủ.
Thấy Quyết đọc những khẩu lệnh điều voi, chúng tôi đứng bên cạnh bắt trước đọc to những khẩu lệnh mà cậu đã đọc trước đó nhưng chú chú voi Gen vẫn thản nhiên bước đi, còn Quyết thì nằm trên đầu voi quay lại nhoẻn cười, nói sang sảng: “Chú không làm được đâu, cháu là quản tượng nói voi mới nghe”.
Nhìn đứa cháu chon von trên lưng voi, ông Y Thế mắt xa xăm, giọng trùng xuống: “Ngày đầu đưa Quyết làm quen với voi Gen, dù cháu rất yêu mến voi nhưng khi tôi cùng tôi cưỡi voi vào rừng, thằng Quyết ngồi mà run cầm cập.
Lúc ấy, tôi lo sợ việc gìn giữ nét văn hóa độc đáo liên quan đến voi của người Buôn Đôn sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Vừa dứt lời, ông Thế cười sảng khoái: “Đến nay,thằng Quyết đã tự mình đưa voi vào rừng kiếm ăn được và còn dẫn khách đi du lịch, nỗi lo người kế tục giữ gìn truyền thống của vùng Buôn Đôn với tôi dần vơi đi”.