Sau 2 tháng từ khi thi công cho tới lúc hoàn thành, tượng Phật Đạt Ma Sư Tổ làm bằng gỗ hóa thạch (gỗ hóa thành đá) tự nhiên đã “ngự” tại chùa Thiên Ứng Phúc Lâm hay còn gọi là chùa Gia Thụy (Gia Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) vào ngày 10/2.
Theo chia sẻ của đại đức Thích Quảng Hoàng (trụ trì chùa Thiên Ứng Phúc Lâm), dự kiến trong buổi lễ “hô thần nhập tượng” của chùa, phía bên đơn vị chế tác sẽ công bố kỉ lục làm bức tượng này.
Kỉ lục được xác lập là pho tượng được làm bằng gỗ hóa thạch tự nhiên lớn nhất Việt Nam.
Trải qua nhiều thăng trầm với nhiều lần bị di dời, năm 1997, chùa Gia Thụy được xây dựng hoàn chỉnh tại phường Gia Thụy.
Theo yêu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương, nhà chùa quyết định xây dựng nhà thờ tổ, thờ mẫu đúng theo kiến trúc của văn hóa thờ tự dân gian.
Khi đặt những viên gạch đầu tiên xây nhà thờ tổ, đại đức Thích Quảng Hoàng đã có tâm niệm tạc một bức tượng Phật Đạt Ma Sư Tổ để lưu truyền cho muôn đời sau.
Tâm niệm của đại đức đã được nghệ nhân Nguyễn Văn Cam (thường gọi là Ba Cam, chủ một xưởng chuyên về đá quý ở Đồng Nai) thực hiện.
“Ông Ba Cam đã lùng sục khắp nơi để tìm đá quý. 10 ngày sau khi Thầy ngỏ ý làm bức tượng Phật Đa Ma Sư Tổ, ông Ba Cam điện lại và hào hứng nói đã tìm được một viên đá hình thành từ gỗ hóa thạch tự nhiên.
Bản thân ông Ba Cam sau khi nhìn hình mẫu Thầy gửi vào để tạc tượng cũng muốn cùng Thầy làm một điều gì đó để lại cho muôn đời sau.
Và bức tượng đã gấp rút được hoàn thành sau 2 tháng” – đại đức Thích Quảng Hoàng chia sẻ.
Ngày 10/2, tượng Phật Đạt Ma Sư Tổ sau 2 ngày từ Đồng Nai đã về tới Hà Nội và ngự tại chùa Thiên Ứng Phúc Lâm. Để đưa được bức tượng "khổng lồ" vào vị trí tọa lạc, rất nhiều người đã cùng góp sức.
Bồ Đề Đạt Ma là một trong 32 đệ tử Ấn Hoa. Ngài là đệ tử thứ 28 của Ấn Độ và là sơ tổ của Phật giáo Trung quốc. Ngài cũng người sáng lập ra phái Thiếu Lâm Tự.
Tượng Phật Đạt Ma Sư Tổ có chiều cao 2m15 tính cả phần bệ, làm hoàn toàn bằng gỗ hóa thạch tự nhiên, nặng gần 4 tấn và màu nâu hồng.
Phần bệ của bức tượng cao 80cm. Theo đại đức Thích Quảng Hoàng, khối đá nguyên sơ có cân nặng gần 5 tấn, đưa về từ châu Phi. Phần đá được đẽo, gọt đi sử dụng làm các pho tượng nhỏ và vòng đeo tay.
Đại đức Thích Quảng Hoàng chia sẻ: "Khi mới làm phôi, trên ngực của tượng đã hiện chữ Thiên. Đây có lẽ là những điều Phật đã định sẵn. Chùa Thiên ứng lại hiện chữ Thiên trên ngực tượng".
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng chi phí để hoàn thành bức tượng Phật Đạt Ma Sư Tổ lên tới 2 tỉ đồng. Trong đó bao gồm cả tiền mua gỗ hóa thạch, chi phí vận chuyển, giám định đá quý...
Chứng thư Giám định đá quý (gỗ hóa thạch) tượng Phật Đạt Ma Sư Tổ.