Tiếp cận hiện trường vụ lở núi vùi chết 20 người ngày 7/9 tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái là nỗi ám ảnh không thể nào quên với bất kỳ ai!
Nhưng, nỗi đau chưa từng thấy, những thi thể nát nhừ, vĩnh viễn không tìm thấy bất cứ “mảng miếng” nào ngoài lọn tóc, cánh tay, hay một khúc thân vài chục xăngtimét… có lẽ mới thật sự là một nỗi kinh hoàng không thể nào quên. Một nỗi đau nhức buốt!
Chúng tôi chỉ còn biết khóc và im lặng đem chút quà, tiền vô cùng nhỏ bé của mình đặt bên cạnh các thi thể thê lương. Nói gì lúc đó cũng là thừa. Không có gì có thể bù đắp được, khi một gia đình có tới 3 người cùng chết trong tích tắc, người đàn bà góa còn lại vật vã bên cỗ quan tài chưa đóng xong với cái thai lùm lùm, đứa bé mồ côi cha từ trong bụng mẹ.
Ông bố già người Mông ở một gia đình khác đã mất một lúc hai con trai, chỉ còn biết trả lời phỏng vấn Lao Động: Tôi già rồi, không ăn được, không làm được nữa, sao Giàng (trời) không cho tôi chết thay hai con tôi?
Lý A Vếnh, Lý A Sàng (con trai ông cụ trên, bản La Pán Tẩn) ra đi khi mới ngoài hai mươi tuổi, để lại 4 đứa con thơ, hai cô vợ trẻ. Một trong hai nạn nhân đã vào quan tài chỉ với hai cánh tay và một khúc thân giữa nát nhừ…
Chùm ảnh “cận cảnh” các chi tiết ám ảnh từ hiện trường thảm họa:
Không khí tang tóc bao trùm, tại trụ sở UBND xã, đã thấy treo biển “nơi đăng ký thăm hỏi cứu trợ”.
Ngay trụ sở UBND xã La Pán Tẩn, đường vỡ sạt do mưa lũ.
Một cháu bé ngồi bần thần bên cây gỗ lớn bị mưa bão đánh bật gốc ven đường cứu trợ.
Muốn vượt 7km đường cực xấu vào hiện trường chỉ có cách đi bộ. Khúc bên ngoài, nếu đi ôtô thì phải xe bánh cuốn xích như thế này. Trong ảnh là cảnh người Mông đi nhờ xe bánh cuốn xích, mang cưa máy lên rừng xẻ gỗ về làm quan tài!
Bánh cuốn xích, xe bán tải cực khỏe rồi cũng hỏng dọc đường do đá văng đập!
Xe máy được cuốn xích vào lốp. Nhiều người bám lấy các nhà báo, hét giá ‘xe ôm cuốn xích” một khúc đường vượt núi với giá 400.000 đồng.
Gỗ đóng quan tài nườm nượp đi về bản.
Nhiều gia đình ở La Pán Tẩn vắng hoe vì các đám tang không đưa về nhà, bởi không thể tổ chức 3 đám tang trong một ngôi nhà một lúc!
Nhưng gia đình của Lý A Vếnh thì chật ních người, bởi họ nghĩ ra phương pháp: Hai anh em ruột, người “viếng” ngoài núi, người tổ chức tang lễ tại nhà!
Chiều 8/9, đường vẫn tắc, đi bộ nhiều tiếng mới vào được hiện trường, các xe mở đường vẫn hoạt động tích cực.
Và, việc đốt lửa lấy hơi ấm, xẻ gỗ đóng quan tài chờ… xác người vẫn tấp nập ven đường.
Đường vào khu sạt lở, phải đi bộ qua rừng già!
Lực lượng cứu hộ tích cực làm việc tại khu sạt lở -ngày 8/9.
Một cụ già người Mông chống gậy vật vã đi nhận xác con cháu.
Nhiều thi thể chỉ còn có thể tìm được một chút, bỏ trong cái túi bé xíu…
Tại hiện trường, giữa rừng sâu núi thẳm, đến máy móc của công ty khai thác còn bị vùi lấp, nát bét (tiền cảnh bức ảnh) thì nói gì đến con người nhỏ bé…
Trước thảm họa kinh khủng, UBND tỉnh Yên Bái đã làm một việc hy hữu: Tổ chức họp báo ngay tại UBND La Pán Tẩn, với sự tham dự của đại diện 15 cơ quan thông tấn báo chí vừa đi… hiện trường về (đầy bùn đất).