Nổi bật giữa những ngôi nhà làm bằng đá ong ở Thạch Thất, Hà Nội là ngôi nhà bằng gỗ mít trị giá bạc tỉ của nhà thờ họ Nguyễn Đăng.
Tọa lạc trên nền của ngôi nhà cổ được xây bằng gỗ xoan có niên đại hàng trăm năm tuổi, từ gần 3 năm nay, ngôi nhà bằng gỗ mít do anh em ông Nguyễn Khắc Chung (SN 1952, thôn Đụ Dương, thị trấn Liên Quan, Thạch Thất, Hà Nội) cùng góp sức, góp của xây dựng nên trên diện tích 360m2 gồm nhà, sân vườn, mái hiên… Đây được coi là một trong những niềm tự hào của họ Nguyễn Đăng.
Nhưng mấy ai biết, để có được số lượng gỗ mít đủ xây một căn nhà hoa lệ ở vùng ngoại thành Thủ đô, anh em ông Chung phải sưu tầm, vận chuyển từ Lào, Mianma, Malaysia… cho tới các tỉnh thành ở miền Nam nước ta về. Bởi lẽ, gỗ mít của quê hương Thạch Thất không đủ chiều dài để xây nên căn nhà kiên cố như thế.
Một màu vàng thẫm bao phủ căn nhà tạo nên vẻ đẹp thanh cao. Ông Chung ước tính, số tiền bỏ ra để mua gỗ, thuê thợ rồi dựng nhà cũng mất hơn một tỉ đồng.
Ngói lợp ngôi nhà được nặn từ đất phù sa của dòng sông Tích. Tất cả như hòa làm 1 để tạo nên ngôi nhà được bao phủ lên màu vàng thẫm của gỗ mít mang vẻ đẹp thanh cao.
Để có được số tiền dựng ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ mít trị giá bạc tỉ này, gia đình ông Chung đã phải gom góp trong nhiều năm.
Từ những hình khối trên ban thờ...
Biểu tượng uy nghi của rồng.
Cho tới các tấm bảng, biểu... Tất cả đều được làm bằng gỗ mít.
Với những nét hoa văn tinh tế được chạm khắc. Trên cánh cửa là biểu tượng của bộ tứ quý, đại diện của 4 mùa.
Tất cả các nét hoa văn nếu đặt tên gọi thì ông Chung gọi là "tiền kẻ hậu bẩy". Các nét hoa văn đó mang đặc thù riêng của vùng quê Thạch Thất đã có từ hàng nghìn năm nay.
Bông hoa được lồng trong chữ Thọ.
Trần nhà cũng được khắc rất nhiều chữ Thọ như chính tuổi thọ của gỗ mít và ngôi nhà đang được bao bọc bởi rất nhiều ngôi nhà xây dựng bằng đá ong.
Ngày dựng ngôi nhà được khắc lên trần nhà như một dấu ấn không bao giờ phai.