Tại Chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam 2012 (International Techmart Vietnam 2012) diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 9 vừa qua, gian triển lãm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã thu hút sự quan tâm của đông dảo du khách với sự xuất hiện của mô hình giàn khoan tự nâng 90m nước (Tam Đảo 03).
Được thực hiện rất chi tiết, mô hình này giúp người xem có thể tìm hiểu về công trình được đánh giá là niềm tự hào của ngành dầu khí Việt Nam một cách trực quan.
Thi công từ tháng 3/2010, giàn khoan tự nâng 90m nước – Tam Đảo 03 là công trình cơ khí trọng điểm của Nhà nước, với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD do PVN làm chủ đầu tư, PV Shipyard làm tổng thầu chế tạo.
Toàn bộ giàn khoan có tổng trọng lượng gần 12.000 tấn, đã được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 4/2012.
Điểm nổi bật về công nghệ là phần thân giàn nặng hơn 9.000 tấn có thể được nâng lên độ cao tối đa 145m (tương đương một tòa nhà 35 tầng) bằng hệ thống tự nâng.
Giàn khoan có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu 6.100m vào đáy biển.
Giàn tự nâng Tam Đảo 3 có khối lượng chế tạo cơ khí chính xác lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ cao với khối lượng thi công khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị bao gồm các hạng mục như điện, điện tự động, kiến trúc nội thất…
Giàn khoan được trang bị rất nhiều hệ thống tự động và hệ thống tích hợp hiện đại, đòi hỏi phải thực hiện việc quản lý hiện đại và đồng bộ.
Theo PV Shipyard, việc áp dụng mô hình quản lý dự án theo mô hình chức năng ma trận đã giúp việc kết hợp tất cả trí tuệ, năng lực của tất cả các bộ phận của công ty, đồng thời tiết kiệm được nhiều chi phí quản lý gián tiếp. Đây cũng là mô hình quản lý dự án tiên tiến được các nhà chế tạo hàng đầu khác trên thế giới đang áp dụng.
Giàn được trang bị sân đáp cho trực thăng và có thể chống chịu gió bão mạnh trên cấp 12 cũng như các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như sóng, dòng chảy, ăn mòn, động đất…
Trong khi các giàn khoan của trước đây thường tính toán tốc độ gió giật lớn nhất trong vòng 50 năm gần đây (là 70 knots) thì đối với giàn khoan Tam Đảo 03 của Việt Nam chế tạo đã tính tới tốc độ gió giật trong vòng 100 năm gần đây (là 100 knots) – một tiêu chuẩn rất khắt khe.
Trên giàn lắp nhiều xuồng cứu hộ, dùng để ứng cứu trong những tình huống khẩn cấp.
Chất lượng của giàn khoan Tam Đảo 03 đã đạt tiêu chuẩn quốc tế và tương đương với chất lượng giàn khoan của các bãi chế tạo khác nổi tiếng trên thế giới tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore.
Có thể nói, việc Việt Nam chế tạo thành công giàn khoan tự nâng là bước đột phá lớn trong lĩnh vực dầu khí. Đây là công nghệ rất phức tạp, có tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe, không nhiều nước trên thế giới có thể thực hiện được. Hiện nay, chỉ 2 quốc gia có thể thiết kế cơ sở và 10 quốc gia có thể thiết kế chi tiết, thi công những giàn khoan tương tự Tam Đảo 3.
Vượt qua nhiều khó khăn về nhân lực và công nghệ, việc chế tạo và vận hành thành công giàn khoan Tam Đảo 03 là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành dầu khí Việt Nam trong việc chinh phục lòng biển cả…