Video cuộc sống bệnh nhân tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An.
Những ngày qua, hình ảnh về 1 bữa cơm của bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An chỉ có vài miếng thịt đã khiến dư luận xôn xao.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề, chúng tôi đã trực tiếp về tại trung tâm để ghi lại những hình ảnh chân thực về cuộc sống hiện tại của các đối tượng xã hội này.
Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An đóng tại địa bàn xã Giang Sơn Đông (huyện Đô Lương, Nghệ An). Phía trong trung tâm có khu nhà ở của đối tượng xã hội và 2 khu bệnh nhân tâm thần nam và nữ.
Hiện tại, trung tâm này đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho 122 bệnh nhân tâm thần và 18 đối tượng xã hội. Mỗi tháng, bệnh nhân tâm thần được trợ cấp 450 nghìn, còn lại là 360 nghìn đồng/tháng.
Theo chia sẻ của các bác sĩ tại trung tâm, đa số những bệnh nhân tại trung tâm đều là bệnh nhân đặc biệt nặng nên dễ bị kích động, không kiểm soát được bản thân.
Họ thường đập phá nhà cửa rồi xé rách quấn áo đang mặc để trần truồng và la hét.
Mỗi lúc lên cơn, các bệnh nhân lại xé hết quần áo rồi lại buộc, thắt khắp nơi ở hàng rào, nhà cửa khiến mọi người lại phải đi tháo gỡ.
Tuy nhiên, những lúc các bệnh nhân không lên cơn thì vẫn giữ được những khoảnh khắc bình lặng và cư xử như những người bình thường khỏe mạnh.
Hàng ngày, các bệnh nhân đều phải chơi trong sự kiểm soát chặt chẽ của cán bộ trung tâm. Đến giờ ăn, vì đảm bảo an toàn nên các bệnh nhân cũng vào lối đi riêng để dẫn đến nhà ăn.
Với số tiền trợ cấp 450 nghìn đồng/tháng, mỗi bệnh nhân được ăn khẩu phần giá 15 nghìn đồng chia làm 3 bữa ăn. Vậy nên, mỗi suất ăn chỉ có 3-4 miếng thịt và canh rau.
Cũng vì khoản hỗ trợ ít ỏi, bữa ăn chỉ đạm bạc là bát cơm trắng cùng vài ba miếng thịt mỡ và canh rau khiến nhiều bệnh nhân không ăn đủ dẫn đến gầy gò, ốm yếu và bệnh càng nặng hơn.
Nhiều đối tượng khỏe hơn, bát cơm đạm bạc này không đủ đáp ứng được cho họ. Nhiều khi vì đói quá, họ lại đi xin hoặc tranh phần những người không ăn hết để ăn.
Ngoài khu điều trị bệnh nhân, trung tâm còn có 3 dãy nhà dành cho các đối tượng xã hội nghèo neo đơn và những bệnh nhân tâm thần đã thuyên giảm sau 1 thời gian dài điều trị.
Theo chia sẻ của những người già cả, người khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đây thì cuộc sống tuy khó khăn vất vả nhưng với họ có chỗ ăn, chỗ ở là đã tốt lắm rồi!
Hầu hết những đối tượng trong trung tâm đều là những người già cả khuyết tật, mù, câm hoặc điếc và không người thân chăm sóc.
Bà Lê Thị Hà (người khuyết tật tại trung tâm): "Cuộc sống thì cũng bình thường nhưng bữa cơm thì thật sự không đủ. Mong các cơ quan xem xét hỗ trợ cho chúng tôi thêm thì tốt".
Cuộc sống tập thể khốn khổ nên nhiều người giúp nhau vượt qua những ngày tháng kham khổ này.
Anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1978, quê tại huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã vào trung tâm được 10 năm nay. Chia sẻ về cuộc sống tuy khó khăn vất vả nhưng anh bảo được nhận vào ăn ở là vui rồi.
Chị Hòa (bị bệnh động kinh): "Tiền họ cho ít quá nên chẳng đủ ăn các chú ạ".
Ở trung tâm, mỗi người đều là 1 hoàn cảnh khó khăn, éo le. Nhưng ai cũng cảm thấy hạnh phúc bởi có nơi ăn, chốn nghỉ để khỏi phải lang thang hết nơi này nơi khác.
Như ông Vương Đình Sơn (SN 1959, mù 2 mắt) và bà Phan Thị Thủy (SN 1960, bị tật 2 chân). Vào trung tâm từ những năm 1984 nhưng 2 người bén duyên nên cùng dọn về chung sống.
Vì khó khăn nên 2 người đã nương tựa nhau để giúp nhau qua những ngày tháng gian khổ. Hiện tại giữa 2 người đã sinh được 2 người con. Người con gái đầu đã lập gia đình và con trai sau học đại học.
Bệnh nhân chia sẻ về cuộc sống tại trung tâm bảo trợ xã hội.