Công trình đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - Vành đai ngoài khởi công từ tháng 6/2008, dự kiến hoàn thành vào năm 2012, tuy nhiên bị lùi ngày bàn giao đến năm 2014. Tuyến đường có tổng chiều dài gần 13,7 km chạy từ sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) tới Xuân Hiệp (Q.Thủ Đức), với tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD.
Đến nay các hạng mục chính của đoạn đường dài 5km, từ nút giao Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) đến ngã tư Bình Triệu (Q.Thủ Đức) cơ bản hoàn thành, dự kiến thông xe đầu tháng 9/2013. Trong đó có một hạng mục quan trong là cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn, nối 2 quận Bình Thạnh và Thủ Đức.
Cầu Bình Lợi mới song song so với cầu Bình Lợi cũ là cây cầu vòm thép có quy mô lớn nhất Việt Nam. Hai mái vòm mang kiến trúc cầu vòm Nielsen, do chủ đầu tư Hàn Quốc thiết kế.
Cầu có chiều dài 975m, với 8 làn xe. Dự kiến thông xe vào tháng 9/2013. Trước ngày thông xe có nhiều người dân đi dạo trên cầu.
Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - Vành đai ngoài khi hoàn thành sẽ là tuyến đường nội ô đẹp nhất TP.HCM. Riêng cầu Bình Lợi mới sẽ giải tỏa áp lực lưu thông xe cho cầu Bình Lợi cũ, "gánh" đến 40% lượng xe qua cầu Bình Triệu 2, góp phần giải tỏa một lượng lớn giao thông của thành phố hướng về phía Đông.
Cầu vượt bằng thép tại nút giao thông đường 3/2 - Lý Thái Tổ - Nguyễn Tri Phương được khởi công từ 27/4/2013. Sau 4 tháng xây dựng, cầu vượt sẽ thông xe vào ngày 27/8, sớm hơn 1 tháng so với dự kiến.
Cầu vượt này dài khoảng 390m, rộng 9,5m, nằm trên trục đường Ba Tháng Hai, có tổng vốn đầu tư khoảng 320 tỷ đồng.
Các công nhân gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối như sơn cầu, lắp biển báo...
Cầu vượt hoàn thànhsẽ giải tỏa một lượng lớn xe lưu thông qua khu vực này. Cùng thời điểm, cầu vượt qua giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) cũng thông xe.
Cầu Sài Gòn 2 khởi công từ tháng 4/2012 với số vốn gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào nă 2014.
Cầu Sài Gòn 2 sau khi hoàn thành sẽ giảm tải áp ực giao thông cho cầu Sài Gòn cũ, đảm bảo giao thông tại cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM.
Nhiều công nhân làm cả ngày lẫn đêm để công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Cùng khởi công với cầu vượt qua nút 3/2 - Nguyễn Tri Phương, nhưng cầu vượt qua vòng xay Cây Gõ (Q.6) sẽ thông xe chậm hơn. Dự kiến cuối tháng 9 sẽ thông xe. Cầu có hình chữ Y.
Cầu vượt qua vòng xoay Cây Gõ có nhánh chính trên đường Hồng Bàng, nhánh phụ trên đường 3/2, với chiều dài 330m, rộng 6,5m. Tổng vốn đầu tư là 460 tỷ đồng.
Các công nhân vẫn đang tiếp tục thi công để cầu hoàn thành đúng tiến độ. Như vậy, hiện tại TP.HCM có tất cả 6 cây cầu vượt bằng thép: cầu vượt giao lộ 3/2 - Lý Thái Tổ - Nguyễn Tri Phương (Q.10); bùng binh Cây Gõ (Q.11); Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) và 3 cầu vượt khác đã đưa vào sử dụng là cầu vượt Hàng Xanh, Ngã Tư Thủ Đức và Lăng Cha Cả.