Ngôi nhà nhỏ, xung quanh gác đầy thang, buộc nhiều thanh gỗ trông không khác chiếc lồng chim nằm ở con hẻm sâu hun hút 338 đường An Dương Vương, phường 4, Q.5 TP.HCM. Ngôi nhà này có diện tích chưa đến 30m2, được chắp vá bằng những tấm tôn và gỗ ép vô cùng tạm bợ nằm lọt thỏm giữa con hẻm nhỏ. Giữa các góc tường mọt, mối đã gặm nhấm gần hết, phải kê thêm mấy cột gỗ để trụ lại.
Nằm ngay giữa lòng khu vực trung tâm Q.5 của một thành phố nhộn nhịp, sôi động nhất đất nước, chúng tôi không tin nổi có một căn nhà ọp ẹp đến như thế tồn tại.
Gác lửng của ngôi nhà được làm bằng những tấm gõ ọp ẹp, tạm bợ.
Tiếp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Bích Nga, đại diện một hộ dân sống ở đây cho biết: Ngôi nhà là nơi sinh sống của 34 nhân khẩu. Tất cả mọi người ở đây là anh em của 9 gia đình. Họ không có việc làm ổn định, chỉ là những lao động thời vụ như chạy xe ôm, bán nước giải khát đầu hẻm, thợ hồ…
"Buổi sáng, khi người lớn đi làm, trẻ con đi học thì nhà cửa còn thoáng, chứ khi tối về, tất cả cùng tập trung sống trong cùng một ngôi nhà thì ngột ngạt khó tả vô cùng. Cả một căn nhà đông người như vậy, nhưng chỉ có một nhà vệ sinh bé tí, nên ai muốn làm vệ sinh cá nhân, phải lần lượt chờ nhau cả tiếng", chị Nga nói.
Lối đi trên lầu chỉ được thắp sáng bằng một ngọn đèn le lói duy nhất.
Để tạo không gian riêng cho từng gia đình sinh sống trong căn nhà có từ năm 1940 này, chủ hộ là cụ Lâm Thị Lỉnh (mẹ bà Nga) phải cơi nới thêm hai tầng nhỏ, gồm 9 phòng, được kê bằng gỗ ép và giấy bìa. Khi đi lên cầu thang, chúng tôi phải rất nhẹ nhàng, vì sợ nhà lung lay và cầu thang quá tối.
Mỗi phòng là một gia đình nhỏ khác nhau, nên theo ghi nhận của phóng viên, để dùng cho mục đích nấu nướng, ăn uống sinh hoạt hằng ngày, các gia đình phải ngăn ra một góc để làm. "Căn bếp" này xung quanh toàn quần áo, sách vở, giấy báo, nên việc cháy nổ luôn là nguy cơ thường trực.
Bà cụ chủ nhà 80 tuổi cho hay, dù biết con cái nay ai cũng đã lớn khôn, gia đình rất đông người, nhưng "việc sửa chữa lại nhà là vô cùng khó khăn, vì chẳng ai có việc đàng hoàng, gia đình luôn thiếu cái ăn, huống chi gom góp lại để có được vài trăm triệu đồng để sửa chữa lại nhà".
Bà Lê Thị Ngọc Dung – Phó Chủ tịch UBND phường 4, Q.5, TP.HCM và bà Nguyễn Thị Phương Loan – Chủ tịch UBMTTQ phường 4, Q.5 cho biết: Việc gia cảnh của bà Lỉnh, lãnh đạo phường 4 đã biết từ rất lâu. Chính quyền đã rất nhiều lần xuống vận động gia đình di dời đi nơi khác.
Dù vậy, các thành viên trong gia đình đã không hợp tác với chính quyền trong việc giải quyết tình trạng của ngôi nhà. Trong khi gia đình muốn địa phương đưa tiền mặt (vài trăm triệu đồng) để xây mới lại ngôi nhà, thì đại diện chính quyền thì nói rằng chỉ có thể đưa ra phương án làm chống dột – chống sập (hết vài chục triệu đồng) cho nhà.
Hiện gia cảnh của bà Lâm Thị Lỉnh chỉ còn duy nhất một hộ gia đình (bà Nguyễn Thị Bích Thủy) thuộc diện xóa đói giảm nghèo, còn các gia đình khác đều đã thoát nghèo, nên chính quyền địa phương chỉ phải chăm lo, hỗ trợ cho duy nhất 1 hộ gia đình.
UBND phường 4, Q.5 hiện vẫn đang tích cực vận động, lên phương án giải quyết, di dời ngôi nhà này đi nơi khác để tránh nguy hiểm cho những hộ dân còn lại.
Theo bà Dung, rất có thể phường sẽ mời một đơn vị xây dựng hỗ trợ sửa chữa với giá phải chăng. Chính quyền địa phương luôn kêu gọi các thành viên trong gia đình cùng chung tay, giải quyết vụ việc để sớm có thể sửa chữa ngôi nhà này khang trang hơn.
* Xem thêm thông tin về những căn nhà chật tại đây