'Cán bộ nhà nước ai cũng sợ trách nhiệm'

Phàn nàn tình trạng các chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp ì ạch mãi vẫn không được triển khai, Chủ tịch Tập đoàn Than Khoáng sản nói, "cán bộ cơ quan quản lý nhà nước quả thật làm việc cầm chừng, ai cũng sợ trách nhiệm trong khi nền kinh tế đang cần sức cạnh tranh".

Ngày 26/4 Ủy ban Kinh tế QH đã họp phiên toàn thể thảo luận báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2012 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển KTXH năm 2013.

DN không được tự huyễn hoặc

Nhiều ĐB quan tâm đến khả năng phục hồi của DN trong bối cảnh các dự báo kinh tế chưa mấy sáng sủa.

ngân hàng, lạm phát, tái cơ cấu
ĐBQH Trần Xuân Hòa. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Trần Xuân Hòa, TGĐ Tập đoàn Than Khoáng sản thẳng thắn, "làm DN không được tự huyễn hoặc mình. Chúng tôi đều nhận định tình hình năm nay xấu hơn năm ngoái".

Trong khi đó, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm phản ánh, chưa có hướng ra cho những tồn tại của DN như co hẹp sản xuất, phá sản, thất nghiệp... "Lòng tin của DN với nền kinh tế, với điều hành và quản lý đang có vấn đề. Xuất hiện tình trạng DN chán nản, buông xuôi, thúc thủ, không còn ý chí vươn lên".

Ông đánh giá, bên cạnh những tín hiệu sáng của quý 1 năm nay như kiềm chế thành công lạm phát,  giảm lãi suất, giảm thuế, những yếu tố đáng quan ngại khác như tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm, đặc biệt, vốn đầu tư ngân hàng gần như bằng không. Tồn kho, nợ xấu cơ bản vẫn như thế. "Các cột trụ kinh tế đều giảm như thế là ta biết tình hình đi đến đâu", ông Kiêm nói.

Để dẫn đến tình trạng như trên, theo ông Kiêm một phần vì các giải pháp của Chính phủ tuy trúng và đúng nhưng thực hiện chậm.

Ông Bùi Đức Thụ (Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cung cấp thêm, trong 4 tháng đầu năm, số DN thành lập mới và DN giải thể xấp xỉ nhau, khó khăn chất chồng. Nếu giải pháp cứ trong tình trạng chùng chình thì DN sẽ phá sản nhiều hơn, gây áp lực lên tăng trưởng và giải quyết công ăn việc làm.

Ngay bản "phác thảo" bức tranh KTXH do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh trình bày trước Ủy ban cũng cho thấy còn nhiều khó khăn để nền kinh tế phục hồi, phát triển. Sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, số DN thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho cao.

Cơ quan dự báo phán đoán, nếu các khó khăn chung của DN và của cả nền kinh tế mà không được xử lý kịp thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu QH đề ra cho năm nay rất khó khăn.

Xin hãy chọn việc để làm

Các thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, thời điểm này mới bắt đầu bước vào quý 2, do vậy việc nền kinh tế phục hồi như thế nào phụ thuộc vào hiệu quả các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN.

Như phân tích của ông Cao Sỹ Kiêm, nghị quyết gỡ khó cho DN đã ban hành đầu năm mà cho đến nay cơ quan chức năng vẫn thông báo "đang khẩn trương trình Chính phủ giải pháp cụ thể". "Để trình xong thì cũng phải hết quý 2, có tác động thì chắc cũng phải quý 4, vậy là chỉ được một quý. Yêu cầu phải nói rõ thời điểm trình và thời điểm bắt đầu áp dụng", ông Kiêm đề xuất.

Ông Lê Nam, phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa bình luận, cử tri phản ánh rằng Nhà nước đã kịp ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch, song cũng mới chỉ dừng lại ở đó. Còn bao giờ đi vào cuộc sống xem ra  khá xa vời.

"Vẫn có những con tàu Vinashin hàng nghìn tỷ lang thang trên biển chẳng để làm gì. Xin hãy chọn việc cụ thể để làm đi, dân họ nói thế đấy. Các cơ quan chức năng nên triển khai từng việc một. Tập đoàn nên làm ông nào, làm bắt đầu từ đâu. 

Với Ngân hàng Nhà nước cũng vậy, bây giờ hình như nghiệp vụ chính là đi bán vàng hay sao ấy. Trong khi đó Nhà nước nên bảo vệ lợi ích của DN, người dân gửi tiền chứ không phải bảo vệ ông ngân hàng", ĐB Nam góp ý.

ĐB Trần Xuân Hòa góp ý, các kế hoạch gỡ khó cho nền kinh tế đã đề ra ngay đầu năm mà đến bây giờ vẫn "đang triển khai". "Cán bộ cơ quan quản lý nhà nước quả thật làm việc cầm chừng, ai cũng sợ trách nhiệm trong khi nền kinh tế đang cần sức cạnh tranh", ông Hòa than.

Thông tin với Ủy ban Kinh tế, Thứ trưởng Cao Viết Sinh vẫn tiếp tục khẳng định, trước mắt tập trung chỉ đạo điều hành giảm lãi suất tín dụng, rà soát các quy định, tháo gỡ khó khăn về thủ tục, điều kiện vay vốn.

Về chính sách thuế, để hỗ trợ cho DN có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển trong thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ trình QH xem xét giảm thuế TNDN về mức 20%. Đồng thời, nghiên cứu giảm thuế có thời hạn đối với thuế GTGT để hỗ trợ tăng cầu về hàng hóa đang quá yếu hiện nay.

Chính phủ cũng khẳng định sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế một cách hợp lý, không dồn vào một thời điểm, tránh tác động tăng giá đột biến.

Sau phiên họp này, Ủy ban Kinh tế sẽ soạn thảo báo cáo thẩm tra để trình ra kỳ họp QH sắp tới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại