Cảm xúc của những người cuối cùng được vào viếng Đại tướng

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Thời gian lưu lại tại di ảnh Đại tướng ngắn ngủi nhưng cũng đủ để mỗi người đi qua cảm nhận được, họ đang đứng trước một vị tướng lỗi lạc.

Và họ là những người cuối cùng trong dòng người vào viếng Đại tướng.

Sợ bão sẽ về khi Đại tướng còn chưa bình yên về với đất mẹ

Không ai trong số những người ấy nghĩ, bước chân của họ có thể đi qua được cánh cổng tại số 30 Hoàng Diệu. Bởi lẽ, phía sau họ còn cả hàng nghìn người cũng đang nóng lòng chờ tới lượt mình vào viếng khi thời gian đang nhích dần về khuya, mà họ lại tới muộn.

Những người ấy tới đây, mang theo cả những may – rủi. Và chỉ khi đã vượt qua được những cánh tay nối dài thành hàng rào bảo vệ của lực lượng tình nguyện viên, họ mới tin mình đang tiến lại gần hơn với Đại tướng. Lúc này, trong số những người đứng cuối cùng của hàng đều chung cảm xúc bồi hồi, xúc động, trái tim họ như nghẹn lại.

 

Những người cuối cùng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tối 10/10.
Những người cuối cùng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tối 10/10.

 

Bà Nguyễn Thị Hòa Bình (59 tuổi, tổ 48, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chỉ được gặp Đại tướng qua sách báo, phim ảnh… Nhưng với bà, Đại tướng là bức tượng đài bất tử về sự lỗi lạc, anh minh.

Tin Đại tướng qua đời là một cú sốc mạnh trong cuộc đời bà Bình. Những ngày này, bà Bình bị đau chân nên chỉ có thể theo dõi thông tin về lễ tang Đại tướng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng với tất cả sự kính trọng người anh cả của dân tộc, bà đã vượt qua nỗi đau bệnh tật để tới số 30 Hoàng Diệu trong ngày cuối cùng viếng Đại tướng.

“Tôi không nghĩ mình sẽ được vào viếng Người. Nhưng khi đứng vào hàng, thấy mình là người cuối cùng mà phía bên ngoài hàng bảo vệ còn rất nhiều người gần như bật khóc khi không được vào viếng Đại tướng, tôi thấy mình rất vinh dự và may mắn. Lúc đứng xếp hàng, tôi nghẹn ngào, xúc động lắm. Thực sự không biết nói thế nào để có thể diễn tả hết cảm xúc của mình khi đó”, giọng run run, bà Bình tâm sự.

Lấy lại bình tĩnh bà chia sẻ thêm: “Đứng trước di ảnh người, tôi chỉ muốn đứng lại đó thật lâu. Bước chân cứ quyến luyến mãi không rời. Nhưng có lẽ, ai cũng thế thôi, sẽ chẳng có sự đặc cách để được gần người lâu. Tôi sẽ cố gắng đi cùng dòng người tiễn đưa thi đưa thi hài Đại tướng trở về với đất mẹ Quảng Bình”.

Bất chợt, bà Bình quay sang hỏi tôi: Sắp có bão phải không cháu, cô nghe nói sắp có bão đổ bộ Trường Sa mà lòng canh cánh. Chỉ mong sao, thời tiết thuận hòa để giấc ngủ của người được bình an.

Ra đến cổng mới biết mình là người cuối cùng viếng Đại tướng

Cũng coi việc được vào viếng Đại tướng trong tối 10/10 là một sự may mắn, TS. BS Trần Thái Hà – Tiến sĩ y khoa, Phó trưởng khoa Châm cứu dưỡng sinh – Bí thư Đoàn TNCSHCM Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương cũng không giấu nổi xúc động.

Công tác trong ngành y, trong thời gian hành chính anh Hà không thể bỏ nhiệm vụ của mình nhưng tình cảm của anh luôn hướng về Đại tướng.

“Những ngày qua dòng người về viếng Đại tướng rất đông. Trong ngày cuối cùng, dòng người càng như kéo dài hơn. Được vào viếng Đại tướng, với tôi đó là sự may mắn. Mặc dù thời gian đi vòng qua di ảnh, qua người thân của Đại tướng ngắn ngủi nhưng tôi cũng thấy vinh dự lắm.

Chiến tranh đã đi qua nhưng những gì người đã làm cho dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng đất nước thì còn mãi mãi. Không chỉ có thế hệ cha anh chúng ta mới cảm nhận được điều đó mà thế hệ trẻ như chúng ta, những người được hưởng cuộc sống thanh bình trên máu thịt ông cha cũng rất biết ơn Đại tướng”, anh Hà tâm sự.

 

Quang cảnh phía bên trong nhà Đại tướng sau khi cánh cổng đã đóng kín.
Quang cảnh phía bên trong nhà Đại tướng sau khi cánh cổng đã đóng kín.

 

"Thực ra, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần là mình sẽ không vào viếng Đại tướng được. Nếu may mắn thì vào được còn không may mắn thì cũng không ân hận vì mình cũng đã thành tâm kính viếng hương hồn người. Chính vì thế, tôi cứ “liều” nhập đoàn. Khi đi ra ngoài tôi mới biết mình là một trong những người cuối cùng trong buổi tối hôm qua được vào viếng Đại tướng. Vì khi ra ngoài tôi thấy lực lượng an ninh đã bắt đầu khóa cửa và không ai còn được vào nữa. Lúc ấy, thực sự tôi rất xúc động”, anh Hà cho biết thêm.

Đứng trước di ảnh Đại tướng lúc ấy, chỉ một vài giây ngắn ngủi, anh Hà có tâm nguyện duy nhất: Chúng ta mỗi người mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi người có cảm xúc riêng khi vào viếng Đại tướng, nhưng tôi hi vọng, sau khi mọi người đi viếng Đại tướng về sẽ làm tốt công việc của mình, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Thiết nghĩ, đó cũng chính là điều mà Đại tướng mong mỏi nhất.

Anh Hà cũng sẽ dõi theo các phương tiện thông tin đại chúng về hành trình đưa bác trở về quê nhà, trở về với nơi mà theo nhiều người nói rằng, cuối cùng Đại tướng cũng vẫn là một người lính để bảo vệ mảnh đất Việt Nam.

-------
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng ngày từng giờ dõi theo mọi thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung sau đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:

 
 

(Danh sách này LIÊN TỤC CẬP NHẬT khi có thông tin mới)

Bạn đọc có những dòng cảm xúc, thơ, văn, kỷ niệm, hình ảnh... về Đại tướng muốn chia sẻ với nhân dân cả nước xin gửi về email: [email protected]. Trân trọng cảm ơn!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại