Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng: Có ai sướng như tôi không?

Minh Hà (Hà Nội) |

Từ ngày mới mười tám đôi mươi tôi đã bị ám ảnh bởi những câu chuyện bi kịch của con dâu ở nhà chồng. Vì vậy tôi đã nghìn lần tự nhủ, mình không thể lấy nhầm chồng và càng không thể lấy nhầm nhà chồng!

Đã là con một, lại là con gái nên từ nhỏ mẹ tôi đã dạy tôi cách sống độc lập, biết làm mọi thứ việc nhà, thậm chí phải biết làm cả những việc nặng nhọc hơn một chút vốn thường được gọi là “việc của con trai” như cầm búa đóng đinh, sửa chữa bàn ghế, vá xăm xe đạp…

Vào cái tuổi mười tám, tôi đã được ướm gả đến vài ba mối trong ngõ, ngoài làng. Mặc dù tôi học hành cũng khá nhưng vì nặng tính thôn quê nên mẹ tôi chỉ muốn tôi mau chóng tốt nghiệp cấp 3 rồi lấy chồng cho yên ấm gia đình.

Khi vừa tốt nghiệp, đang lúc trẻ người non dạ, tôi cũng định tặc lưỡi lấy chồng cho rồi nhưng ôi thôi, đám nào đến nhà tôi cũng không vừa ý.

Người thì xấu trai, người thì nhút nhát, người lại chẳng biết làm việc gì… Tôi quyết định phải làm “cách mạng”, phải đi học tiếp và phải tự do tìm người bạn đời ưng ý.

Tìm hoài. Tìm hoài. 10 năm sau tuổi 18 năm nào tôi đã lên xe hoa về gia đình chồng cách nhà mình đến 200 km.

Chồng tôi cũng là con một trong nhà. Ngày tôi đi lấy chồng, mặc dù có chút buồn vì cảnh gả con đi xa, gả con vào nhà con một nhưng mẹ tôi vẫn mừng ra mặt vì cuối cùng thì tôi đã thoát “ế”!

Tôi cưới tháng Chạp nên chưa tròn tháng đã lo ngay ngáy chuyện lễ tết. Nhà không có anh chị em gì nên tôi càng sợ có việc gì sơ suất. Chẳng là, khi còn ở nhà mẹ đẻ, Tết nào tôi cũng phải lo nấu nướng cơm canh, cỗ bàn từ ngày 30 Tết cho đến hết mùng 5.

Riêng 3 ngày Tết thì phải dậy từ khi trời chưa sáng để nấu đủ 5-7 món bày 3 mâm cỗ. Đó là còn chưa kể việc sắm sanh mọi thứ đã bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp.

Nhà chồng tôi thường làm bánh chưng chung với cả xóm cho vui. Trong đó mỗi nhà chỉ có 2 cặp bánh.
Nhà chồng tôi thường làm bánh chưng chung với cả xóm cho vui. Trong đó mỗi nhà chỉ có 2 cặp bánh.

Tôi vừa lo tiền bạc, vừa suy đi tính lại lên thực đơn xem nấu món gì ngon, món gì đẹp mắt... để làm vừa ý mẹ chồng. Thế nhưng, đùng một cái, ngày 25 Tết, mẹ chồng bảo tôi “Tết nhất giờ có như xưa đâu con, con mua sắm, nấu nướng gì nhiều cho mệt mà lãng phí”.

Vậy là đến ngày 30 Tết, ngoài nấu bánh chưng và đi chợ mua hoa, tôi không phải làm gì cả. Không quần quật rửa bát đĩa, gói nem, pha thịt, làm giò. Không đồ xôi, ninh canh măng, canh miến … Thậm chí việc thịt gà… cũng đã có bố chồng!

Tối 30, nếu như mọi năm, tôi sẽ tất bật vớt bánh, thịt gà, sắm lễ trong nhà, ngoài sân để đợi giờ khắc giao thừa kịp hành lễ. Suốt những năm là con gái, tôi chỉ có thể ngắm pháo hoa giao thừa qua màn ảnh nhỏ.

Bi hài nhất là có lần cậu bạn trai cùng lớp muốn rủ tôi ra ngoài đón giao thừa đã phải làm giúp tôi bao nhiêu việc không tên. Đến khi xong việc thì vừa tới giao thừa! Tuy nhiên, tối giao thừa đầu tiên ở nhà chồng, vợ chồng tôi ra khỏi nhà lúc 9 giờ tối và trở về vào lúc 5 giờ sáng ngày mới.

Ngày 30 Tết, tôi chỉ phải lo việc cắm bình hoa tươi trong nhà.
Ngày 30 Tết, tôi chỉ phải lo việc cắm bình hoa tươi trong nhà.

Sáng mùng 1, vì đi xem pháo hoa rồi đi chùa ban đêm nên hơn 7 giờ sáng tôi mới lóp ngóp mò dậy. Mẹ chồng tôi chỉ bảo tôi nấu thêm bát canh, chặt thịt gà, cắt khoanh giò rồi sắp mâm cơm cúng. Chao ôi, chưa bao giờ tôi thấy ngày Tết đơn giản hơn vậy!

Có thể có ai đó sẽ nghĩ rằng gia đình chồng của tôi đang mai một đi những nét Tết cổ truyền, nhưng với tôi, đó thực sự là “cách mạng”.

Thời gian trôi qua, tôi sống ở gia đình chồng khá hòa thuận, không vướng vào cái vòng luẩn quẩn “mẹ chồng – nàng dâu”, tôi nghĩ rằng một trong những tiền đề là nhờ cái Tết đầu tiên ấy.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại