Ông Vĩnh cho biết, kết quả tổng hợp đề cử nhân sự bổ sung vào danh sách giới thiệu bầu ủy viên Ban chấp hành Trung ương khoá 12 cho thấy số dư đã vượt quá quy định (30%).
Ông giải thích, nếu danh sách do Đại hội đề cử hợp thành với danh sách do Trung ương giới thiệu có tổng số dư vượt quá 30% thì các nhân sự mới được đề cử sẽ được lập một danh sách riêng để Đại hội bỏ phiếu kín.
Việc kiểm phiếu được thực hiện ngay tại Đại hội và lấy từ cao xuống thấp, cho đến khi đủ tối đa 30%.
“Ví dụ, Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 giới thiệu số dư 10% thì còn 20% để Đại hội đề cử, ứng cử.
Với 180 ủy viên Trung ương chính thức thì 20% là 36 đồng chí. Danh sách 300 thì cũng chỉ chọn 36 hợp vào danh sách do Ban Chấp hành Trung ương 11 giới thiệu để hình thành danh sách bầu cử”, ông Vĩnh phân tích cụ thể hơn.
Sau khi hình thành danh sách bầu cử chính thức, thì Đại hội sẽ bầu danh sách ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết riêng để cho đại biểu dễ thể hiện chính kiến.
Nhìn nhận việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng… được đại biểu đề cử bổ sung là bình thường, là quyền của đại biểu, nhưng ông Vĩnh lưu ý, theo quy chế bầu cử thì các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 như các vị nêu trên không được nhận đề cử, mà phải xin rút, và nếu Đại hội quyết định cho rút thì sẽ không đưa vào danh sách đề cử tại Đại hội.
Các nhân sự không thuộc Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 thì vẫn có quyền tự do nhận đề cử, ứng cử.
Ngày mai (25/1), Đại hội Đảng sẽ bỏ phiếu quyết định các trường hợp xin rút có được rút hay không.
Thông tin từ thông cáo báo chí được phát đi cuối chiều nay là ngay đầu giờ chiều, Đoàn Chủ tịch đã gửi báo cáo tổng hợp về nhân sự ứng cử, đề cử tới các đoàn và các đại biểu đã tiến hành việc xin rút ý kiến ứng cử, đề cử hoặc xin rút tên ra khỏi danh sách đề cử.
Việc này cũng đã được các trưởng đoàn báo cáo lại với Đoàn Chủ tịch của Đại hội.