Tại cụm thi Vinh: Theo nhận định của nhiều thí sinh thi khối D, thì đề tiếng Anh năm nay khó có thể đạt điểm cao. Trong khi đó với đề thi trắc nghiệm Sinh, các thí sinh cho rằng đề không khó, nhưng nặng về phần bài tập.
Còn với các thí sinh khối C thi môn Lịch Sử, đúng 17h15 mới hết thời gian làm bài. Tuy giờ làm bài còn khoảng 20 phút nữa mới kết thúc nhưng các điểm thi đã có lác đác vài thí sinh rời phòng thi sớm.
Bạn Trương Thị Hoài, thi vào khoa Sư phạm Lịch Sử trường Đại học Vinh, vui mừng chia sẻ: “Đề Lịch sử có 1 câu thế giới và 3 câu về Việt Nam. Trong đó có mấy câu về “chuyển biến của các giai cấp sau chiến tranh thế giới thứ 2”, còn câu thế giới hỏi về “toàn cầu hóa” em ôn kỹ nên cũng làm được tốt. Nhiều bạn cùng phòng em cũng làm được vì hầu như ôn trúng tủ môn này”.
Các thí sinh tại cụm thi Vinh
Tại hội đồng thi trường ĐH Khoa học và Tự nhiên (Hà Nội) không có thí sinh ra sớm. Hầu hết các thí sinh ở đây đều nhận định, đề thi Sinh học năm nay vừa sức với thí sinh, hầu hết đều nằm trong chương trình lớp 12.
Nhiều thí sinh bất ngờ vì phần lý thuyết nhiều, chiếm khoảng hơn 60 % lượng câu hỏi. Đa phần số câu lý thuyết này thuộc loại gỡ điểm cho thí sinh. Lý thuyết phần di truyền và tiến hóa đều được các thí sinh nhận định là khá dễ dàng.
Tuy nhiên, phần bài tập được đánh giá là tương đối khó. Phần bài tập của môn sinh chủ yếu là phân tử, sinh học tế bào, quy luật di truyền... Đa số các câu bài tập đều phải vận dụng tính toán, công thức, thông tin trong đề bài dài. Vì vậy học sinh tại đây cho biết, nếu không nắm vững kiến thức, đọc nhanh và bấm máy tính chính xác thì khó lòng có thể làm tốt phần bài tập.
Trong đó phần khó nhất là hoán vị gen chiếm khoảng 5 câu. Phần hoán vị gen dễ gây nhầm lẫn cho thí sinh khi tính tần số hoán vị, khó có thể viết được kiểu gen.
Tại ĐH Luật, nhiều thí sinh ra sớm khi hết 2/3 thời gian. Theo đánh giá chung, đề Lịch sử năm nay không bất ngờ, không khó, sát chương trình.
Với cách ra đề truyền thống, không có đánh đố thí sinh, nội dung nằm trong kiến thức chương trình sách giáo khoa chứ không nằm trong phần chương trình giảm tải của Bộ GD, vì vậy thí sinh chỉ cần nắm chắc toàn bộ kiến thức có thể làm được.
Thí sinh Đặng Văn Hạnh (THPT Nguyễn Trãi, Vũ Thư, Thái Bình), dự thi Luật Dân sự, ĐH Luật cho rằng: “Phần lịch sử thế giới hơi dài và khó, nhiều sự kiện. Nói chung, đề năm nay vừa sức với thí sinh, chỉ cần nhớ kiến thức, hiểu sự kiện và vận dụng phân tích câu hỏi là làm được. Em dự đoán 7 – 8 điểm”.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh tỏ ra thất vọng vì đề Lịch sử năm nay. Học sinh Nguyễn Thị Vân đến từ Bắc Giang, dự thi khoa Lịch sử trường ĐH KHXH&NV chia sẻ: “Đề thi năm nay không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải nhớ nhiều bằng cách học thuộc lòng. Mặc dù em đã tham gia đội tuyển Sử năm lớp 12 nhưng em nghĩ mình sẽ không được điểm cao trong bài thi này”.
Theo ghi nhận của nhóm PV tại điểm thi trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nhiều thí sinh dự thi khối D tại TP.HCM tỏ ra không mấy tự tin với bài làm môn Tiếng Anh của mình. Các thí sinh cho biết đề thi năm nay khá dài và khó, khó nhất là phần đọc hiểu, thí sinh không dễ đạt điểm cao môn tiếng Anh.
10 giờ 30 phút sáng, Ghi nhận tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, môn Toán khối B được đánh giá dễ, chỉ có một câu bất đẳng thức gây khó, đa phần thí sinh bỏ câu này.
Đề toán khối B và khối D bao gồm 9 câu, trong đó có 6 câu phần chung và 3 câu phần riêng. Câu khó thuộc về bất đẳng thức (chiếm 1 điểm). Theo đánh giá, dạng bất đẳng thức này khá lạ, chưa gặp bao giờ và không thể tìm ra đáp án cuối cùng. Đề thi năm nay còn có cả câu về tổ hợp, xác suất nằm ngoài dự tính của thí sinh. Tuy nhiên, câu hỏi này thuộc về phần kiến thức cơ bản, nên nhiều học sinh lựa chọn một câu hỏi nâng cao.
Đặng Duy Khánh (Chuyên Hóa, THPT Chuyên Tự nhiên) đánh giá đề Toán khối B vừa sức với thí sinh, không có câu nào đánh đố, chỉ có câu bất đẳng thức nhiều thí sinh không làm được.
“Em bỏ câu bất đẳng thức 1 điểm. Em tự tin làm được 90%. Em nghĩ đề Toán khối B không quá khó, em chỉ làm hết 2/3 thời gian”, Khánh cho biết.
Còn đối với đề Toán khối D, thí sinh Nguyễn Thanh Mai (THPT Nguyễn Tất Thành) thi tại ĐH Sư phạm cho biết: Đề năm nay khá đễ, dễ hơn đề thi năm ngoái. Câu 6 tính Minmax là khó nhất và có tính phân loại thí sinh.
Đề Địa lý: Hai câu biển đảo gây hứng thú với thí sinh
Hai câu về biển đảo bao gồm: Nêu khái quát về biển Đông và nêu những thiên tai của vùng biển. Ý nghĩa chiến lược của đảo và biển đảo đối với an ninh, kinh tế Việt Nam.
Trong 4 câu môn thi Địa lý có câu kiểm tra vẽ thực hành và nhận xét là phần khá dễ. Nhiều thí sinh nhận định biểu đồ năm nay sẽ được vẽ hình tròn, dễ nhận biết, không gây nhầm lẫn, lúng túng cho học sinh.
Thí sinh Lê Văn Hiệp (đến từ trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Tuyên Quang dự thi khối C, khoa Luật Quốc gia, trường ĐH Khoa học Quốc gia) nhận định: “Trong phần câu hỏi về ý nghĩa của đảo, biển đảo em nêu bật lên phần phát triển các ngành nghề đánh bắt hải sản, thủy sản góp phần cải thiện kinh tế, các ngành nghề lao động”.
Nhiều thí sinh đánh giá đề thi Địa lý năm nay rất thú vị, không gây áp lực cho thí sinh, câu hỏi biển đảo mang tính thời sự, đặc biệt việc bảo vệ chủ quyền của đất nước quan trọng, nhất là đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
10 giờ 15 phút sáng nay, tại cụm thi Vinh (Nghệ An) nhiều thí sinh đã rời phòng thi sớm và tỏ ra khá tự tin với bài làm của mình.
Theo ghi nhận của PV, tại nhiều địa điểm thi của Cụm thi Vinh, sau khi kết thúc thời gian làm bài thi ở môn Toán đối với khối B, D, T, M và môn Địa Lý ở khối C, hầu hết các thí sinh đều tỏ ra vui vẻ, tự tin với bài làm của mình.
Sáng nay (9/7), hơn 600.000 thí sinh các khối B, C, D và năng khiếu sẽ bước vào làm bài môn thi đầu tiên. Khối B, D: môn Toán theo hình thức tự luận 180 phút; khối C: Địa theo hình thức tự luận 180 phút.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong đợt 2 số thí sinh đến làm thủ tục dự thi chỉ có 612.237 trên tổng số 829.861 thí sinh đăng ký dự thi. Như vậy, năm nay số thí sinh ảo là 217.624, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục đạt 73,78%.
Sáng nay, TS Nguyễn Văn Hiền (Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, trong ngày làm thủ tục thi 8/7, số thí sinh tới làm thủ tục là 9530/ 12978 hồ sơ, đạt tỷ lệ 74,5%.
Năm 2013, trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức thi các khối C, D, M, N, H, T với 18 cụm thi, 300 phòng thi và có hơn 800 cán bộ coi thi. Trong buổi làm thủ tục thi hôm qua, ông Hiền cho rằng, đa phần các sai sót của thí sinh đều là nhẫm lẫn về mã ngành hoặc thiếu giấy tờ ưu tiên; những trường hợp này, ban chỉ đạo và giám thị đã nhanh chóng giúp đỡ thí sinh sửa chữa để bước vào kỳ thi một cách thuận lợi nhất.
Một số hình ảnh tại các địa điểm thi ĐH Tự nhiên và ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn sáng nay:
Tại điểm Trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân), điểm thi của Trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Ghi nhận lúc 5h30 sáng đã có một vài phụ huynh đưa con đến địa điểm thi.
Cơn mưa khiến việc đi lại, đưa đón của các phụ huynh, sĩ tử vất vả hơn.
Để tránh tắc đường, phụ huynh và sĩ tử dậy từ 4h hay 5h sáng để đi thi.
Hai bố con bác Đinh Quang Đức (Vĩnh Phúc) dậy từ 4h sáng ăn sáng, đi thi để tránh tắc đường. "Sáng nay trời mưa nên đi lại cũng vất vả hơn. Hai bố con đã kịp ăn sáng, chủ động đi sớm tránh tắc đường".
Em Đinh Quỳnh Anh dự thi vào khoa Luật khối C, ĐH Quốc gia Hà Nội thấy hơi hồi hộp trước khi vào phòng thi.
Em Trinh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) lên Hà Nội một mình đi thi. Để có tâm lý thật tốt, Trinh dậy sớm để bắt xe ôm đến cổng trường.
5h30 sáng, rất nhiều phụ huynh, sĩ tử đã có mặt tại cổng Trường ĐH Khoa học tự nhiên.
Bố giúp con kiểm tra lại giấy tờ trước khi vào phòng thi.
Cô Lê Thị Lý (Chương Mỹ, Hà Nội) đợi con ở cổng trường. Cô cho biết, để chuẩn bị tâm lý tốt cho con dự thi khối B khoa Công nghệ sinh học, cô dậy từ 4h sáng để nấu cơm trắng cho con ăn rồi đưa con đi thi.
Cơn mưa sáng nay khiến nhiều phụ huynh, sĩ tử phải mặc áo mưa, đi lại vất vả hơn.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn xuất hiện sĩ tử là nhà sư dự thi đại học.
Nhiều sĩ tử tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi môn đầu tiên.
Vừa bước vào phòng thi, vừa đọc lại kiến thức cho yên tâm.