Ngày đám cưới diễn ra, hai bên nội, ngoại, bạn bè, khách khứa… vẫn có mặt đầy đủ. Ở nhà mình, cô dâu vẫn xúng xính váy áo, trang điểm xinh đẹp hồi hộp chờ thời khắc về nhà chồng. Chỉ có điều, dưới con mắt hiếu kỳ của hàng ngàn người chứng kiến, cô dâu lặng lẽ bước đi, cố ngăn dòng lệ trong cái nắm tay thật chặt của… mẹ chồng.
Biến cố không ngờ
5 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại đám cưới đặc biệt của vợ chồng mình, chị Nguyễn Thị Thơ (SN 1989, trú xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn nhớ như in từng chi tiết một. Chị kể: “Đời người con gái, chỉ có một ngày trọng đại là ngày kết hôn. Tôi cũng có ngày đó nhưng lại không được vui vẻ, hạnh phúc như người ta. Ngày cưới, một mình tôi lên xe hoa về nhà chồng, không có chú rể đến đón. Nói ra thì không ai tin nhưng đó là sự thật. Lúc đó, tôi buồn lắm, nhất là phải nghe những lời bàn tán của dư luận. Họ bảo tôi có vấn đề về thần kinh khi làm đám cưới với một người đang ở tù. Nhưng sau bao năm chung sống, tôi nhận thấy hành động lúc xưa của mình là đúng đắn”.
Im lặng trong chốc lát, chị hồi tưởng lại nguyên nhân dẫn tới đám cưới vô cùng đặc biệt này. Cuối năm 2007, chị và người chồng hiện tại, anh Nguyễn Văn Thông (SN 1985) gặp nhau trong một lần đi chơi cùng đám bạn. Không lâu sau đó, hai người đem lòng yêu nhau. Tình yêu đó được bạn bè, người thân nhiệt tình ủng hộ bởi Thơ là cô gái hiền lành. Còn Thông, tại địa phương nổi tiếng là thanh niên thông minh, nhanh nhẹn và có công ăn, việc làm ổn định. Sau một thời gian tìm hiểu, cặp uyên ương đưa nhau về ra mắt gia đình.
Của chồng công vợ
Vượt qua nhiều thử thách của cuộc sống, vợ chồng anh Thông và chị Thơ hiện được xem là một doanh nghiệp có tiếng tại địa phương, được chính quyền, bà con tin tưởng, cảm phục. “Thông từng lầm lỡ phải đi tù, nhưng bây giờ làng xóm ai cũng phục. Thông có ý chí quyết tâm quên đi quá khứ, vươn lên làm giàu”, ông Trần Văn Tài – trưởng xóm nơi vợ chồng anh Thông cư trú cho biết. Đối với cặp vợ chồng này, tài sản quý giá hơn tất cả của họ là hai đứa con thông minh, lanh lợi. “Cuộc đời tôi có được ngày hôm nay là nhờ vợ, chính cô ấy đã bên tôi lúc khó khăn, cho tôi niềm tin vào cuộc sống và động lực để làm lại cuộc đời”, anh Thông nói về người bạn đời nặng tình nghĩa.
Khoảng giữa năm 2009, chị Thơ phát hiện mình mang thai. Tại vùng quê này, con gái chưa chồng mà chửa là chuyện “động trời” mà nếu lộ ra sẽ không tránh khỏi sự đàm tiếu, dị nghị. Hiểu rõ điều đó, chị Thơ chủ động thông báo với gia đình và người yêu để tìm giải pháp hợp lý nhất. Do trước đó đã tính chuyện cưới xin cho đôi trẻ, hai bên gia đình đều nhất trí định ngày làm đám cưới. Nhưng đúng vào lúc lễ ăn hỏi chỉ còn tính bằng ngày, Thông và anh trai bất ngờ bị công an bắt vì liên quan đến vụ đánh nhau ở xã bên.
Nhớ lại sự việc xảy ra trong quá khứ, anh Thông kể: “Trong một lần lái xe qua xã bên cạnh, tôi bị người lái xe bên đó gây chuyện. Cậy thế gần nhà, anh ta lớn tiếng chửi tôi dù chính anh ta mới là người đi sai đường. Bực tức, tôi về nhà kêu thêm anh trai và mấy đứa bạn sang giải quyết sự việc. Do toàn thanh niên nên hiếu thắng, thiếu kìm chế, hai bên đã xảy ra cuộc ẩu đã. Sau đó, tôi và anh trai bị bắt vì tội đánh người. Lần đó, thấy vợ sắp cưới ôm cái thai khóc nức nở mà lòng tôi đau đớn. Dù rất yêu Thơ, tôi không đủ can đảm để bảo cô ấy đợi tôi ra tù làm đám cưới. Ấy vậy mà, vợ tôi lại can đảm làm cái việc mà không phải cô gái nào cũng vượt qua được”.
3 tháng sau khi chồng tương lai bị bắt tạm giam, chị Thơ quyết định lên xe hoa về nhà chồng. Vì vụ án đang trong quá trình điều tra, các nghi phạm được giam giữ nghiêm ngặt nên việc người nhà vào thăm nom cũng rất khó khăn. Bởi thế, người thân và chị Thơ không thể thông báo tin trọng đại này đến cho anh Thông. Vì không muốn con dâu tủi thân trong ngày cưới, gia đình nhà trai đã chuẩn bị khá tươm tất. Ông Hoàng Bính (SN 1960, bố anh Thông) nhớ lại: “Là người từng trải, tôi hiểu rõ suy nghĩ của con cái. Con dâu tôi lúc đó phải chịu nhiều điều tiếng dị nghị của người đời nhưng nó vẫn kiên định giữ gìn sự thủy chung. Nó bảo: “Dù anh Thông ngồi tù, con cũng sẽ đợi anh về rồi nên duyên vợ chồng”. Không muốn con dâu tương lai chịu tai tiếng, tôi bàn với gia đình thông gia tổ chức đám cưới cho chúng nó luôn”. Ngày đó, đoàn rước dâu của họ nhà trai tưng bừng đến nhà gái xin dâu. Người đóng thay chú rể để đưa cô dâu về hôm đó không ai khác chính là mẹ anh Thông, bà Đào Thị Mai. “Hôm đó, tôi nắm tay con dâu thật chặt. Tôi không muốn nó rơi nước mắt trong ngày vui”, bà Mai cho biết.
Sau đám cưới gần một tháng, đại diện hai gia đình và cô dâu mới đã đến trại giam thăm anh Thông. “Hôm đó, nghe vợ thông báo hai đứa đã chính thức nên duyên bằng một đám cưới tươm tất, tôi cứ tưởng cô ấy nói đùa. Khi bố mẹ khẳng định lại, tôi mới dám tin đó là sự thật. Tôi đã khóc vì vui mừng, vì thấy bản thân có lỗi với vợ con, gia đình nội, ngoại. Điều duy nhất tôi có thể làm được lúc ấy là động viên vợ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi để hai mẹ con khỏe mạnh, đồng thời hứa sẽ cải tạo tốt để sớm đoàn tụ cùng gia đình”, anh Thông nhớ lại ngày trọng đại nhất cuộc đời mà bản thân mình lại không có mặt.
Một góc cơ sở sản xuất gạch của đôi vợ chồng trẻ.
Con không biết gọi "Bố"
Anh Thông bị tuyên phạt 3 năm tù giam vì vụ xô xát. Nhờ cải tạo tốt nên cuối năm 2011, anh được ra tù sau hơn 2 năm trả án. Niềm hạnh phúc ngày sum họp gia đình cùng háo hức được tận tay bế cô con gái bé bỏng khiến anh như người trên mây. Nhưng ngay khi gặp mặt, ông bố trẻ đã hụt hẫng khi con không biết gọi cha. Thậm chí, cháu Phương Anh (con anh Thông và chị Thơ – PV) còn chạy vào nhà khóc thét: “Mẹ ơi, có chú bắt con”. “Anh Thông về nhà hơn một tuần lễ mà con bé vẫn nhất quyết không cho đụng đến người chứ đừng nói đến chuyện bồng nó. Đêm đến, khi nó đã ngủ say, anh ấy mới được nắm tay, sờ nắn gương mặt bầu bĩnh của con. Từ ngày con chào đời, anh Thông luôn mong đến ngày ra tù để được ẵm bế con bé. Vậy mà, nó lại sợ bố như vậy thì anh ấy buồn là đương nhiên. Nhưng trẻ con mà, thân quen lâu ngày, chúng sẽ cảm nhận được tình yêu thương của người lớn. Nghĩ vậy, tôi động viên chồng không nên băn khoăn nhiều, cho con thời gian để nhận ra bố”, chị Thơ nhớ lại. Sau thời gian kiên trì bên con cùng với sự hàn gắn nhiệt tình của mẹ, cháu bé đã dần quen với sự có mặt của anh Thông trong nhà. Lúc đầu, bé gọi bố bằng “Anh” bởi bắt chước cách xưng hô của chị Thơ với chồng. Nghe vậy, cả nhà cười ra nước mắt. Rồi cũng đến ngày, cái miệng xinh xinh của đứa trẻ cất lên hai tiếng: “Bố ơi”. Nghe thấy hai từ này, anh Thông mừng rỡ ôm chầm lấy con.
Ra tù với hai bàn tay trắng, chiếc xe tải của anh Thông cũng phải bán để trang trải cho cuộc sống gia đình. Với quyết tâm “ngã đâu đứng dậy đấy”, anh vay vốn ngân hàng mua lại chiếc ôtô 4 chỗ cũ và bắt đầu chạy taxi. Ban đầu, công việc còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều người biết anh từng đánh nhau phải ở tù nên e sợ, khách chủ yếu là người quen. Sau đó nghe tiếng anh tận tình, chu đáo, mọi người mới dần thay đổi thái độ. Trong xã, ai có việc gì cần đi xe cũng gọi anh. Sau 3 năm cả hai vợ chồng cùng phấn đấu, anh Thông giờ đã là ông chủ một xưởng sản xuất gạch xi măng, tạo công việc ổn định cho 12 công nhân. Ngoài ra, anh còn mua thêm 4 chiếc ô tô tải lớn, thuê thêm lái xe để chở vật liệu xây dựng cho bà con trên địa bàn huyện nhà, còn vợ anh thì mở cửa hàng tạp hóa. “Tôi rất vui khi tạo được việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương để họ vươn lên thoát nghèo. Tôi muốn mở rộng xưởng để có thể tạo công việc cho nhiều lao động hơn nữa, bởi quê tôi vẫn còn nghèo lắm”, anh Thông chia sẻ.