Sáng ngày 11/9, tại điểm đu dây qua suối đôi tại làng Mok Trang, Mok Trê, PV Báo Giao thông chứng kiến nhiều người dân ở hai ngôi làng này sử dụng cáp ròng rọc gắn vào cáp treo để qua lòng suối sâu.
Tại đây nhiều người dân cho biết, lòng suối rộng khoảng 50m, mực nước rất sâu. Thời điểm mùa mưa mực nước có thể lên tới 3-4m, nước đầu nguồn chảy về rất xiết.
Ông Lê Bá Tuy, dân làng Mok Trê, cho biết: Dây cáp treo này được người dân đóng góp tiền và tự thiết kế hoàn thành vào cuối năm 2014. Cứ 2 tháng thì phải thay ròng rọc một lần.
Vào khoảng tháng 8, có khoảng 4 người lớn đang đu dây thì bị rơi xuống sông. May ai cũng biết bơi nên không sao cả. Vì đu dây qua suối rất nguy hiểm nên người dân không cho trẻ em đi một mình.
Nếu các em nhỏ đến ở đầu suối phải chờ người lớn mới dám sang.
Dân vẫn dùng chiếc ròng rọc này để vận chuyển phân bón, hàng nông sản thu hoạch đem về… Có khi chở tới gần 2 tạ. Cũng vì việc vận chuyển nhiều và lượt người qua lại thường xuyên nên chiếc ròng rọc rất nhanh mòn và hư hỏng.
Người dân mong muốn có một chiếc cầu bắc qua con suối để dễ dàng vận chuyển hàng hóa, phân bón. Nhất là có khoảng hơn 10 em nhỏ phải qua dòng suối nguy hiểm hàng ngày.
Ông Ngô Hữu Thiện, Chủ tịch xã Ia Tom cho biết, tại làng mỗi ngày có trên 150 người dân và các cháu học sinh phải thường xuyên đu dây qua suối Đôi. Hiện người dân thuộc địa bàn này vẫn chưa có cầu nên buộc phải đi rẫy bằng phương tiện này.
Các em học sinh mỗi lần qua sông đều đi cùng những người lớn để "an toàn hơn".
Cũng theo ông Thiện, khu vực dân cư bên kia suối Đôi có khoảng 15 hộ dân di cư vào làm việc cho Lâm trường BQL rừng phòng hộ huyện Đức Cơ.
Trong đó có nhiều em nhỏ ở độ tuổi học sinh thường ngày phải đu dây qua suối. Nhiều em nhỏ không dám đi một mình.