Buộc thôi việc bác sĩ không nhận chức: "Không nên chút nào cả"

Hoàng Đan |

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, cơ quan tổ chức cần phải tiếp thu việc bác sĩ không nhận chức cao hơn, còn việc đưa ra kỷ luật buộc thôi việc là không nên.

 Cần tìm hiểu kỹ hoàn cảnh

Giám đốc Sở Y tế Phú Yên đã ký quyết định xử lý kỷ luật viên chức đối với bác sỹ Nguyễn Thị Băng Sâm, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên bằng hình thức buộc thôi việc vì đã có hành vi không chấp hành phân công công tác.

Liên quan đến sự việc, trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc này phải phân tích trên góc độ khi có sự điều động, phân công, bổ nhiệm cán bộ, công chức mà chống lại.

"Việc chống lại đó áp dụng vào Nghị định 34 của Chính phủ thì hành vi này thuộc mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức nào và vấn đề này, theo quy định của pháp luật.

Nhưng tôi nghĩ, mình nhìn hiện tượng xin nghỉ việc không nhận chức vụ rồi bị kỷ luật buộc thôi việc là chưa đầy đủ.

Bởi vì thực tế, rất nhiều cán bộ, công chức được điều động kết hợp với bổ nhiệm chức vụ nhưng do điều kiện, hoàn cảnh nào đó nên người ta không đi, phản ứng lại quyết định và nói rõ với cơ quan tổ chức.

Cơ quan tổ chức phải tiếp thu như thế nào đó chứ việc đưa người ta ra kỷ luật là không nên chút nào cả", ông Cương nhìn nhận.

ThS.BS Nguyễn Thị Băng Sâm cho rằng Sở Y tế Phú Yên xử lý kỷ luật chưa thấu tình đạt lý. Ảnh: CAND
ThS.BS Nguyễn Thị Băng Sâm cho rằng Sở Y tế Phú Yên xử lý kỷ luật chưa thấu tình đạt lý. Ảnh: CAND

Ông Cương cũng nêu thực tế, có những trường hợp đang làm ở thành phố, gia đình, tất cả điều kiện bình thường, tốt nhưng điều động, bổ nhiệm lên vùng xa xôi.

"Người ta không nhận thì lại đưa ra kỷ luật. Tôi nghĩ cái chính là cách xử lý, hiểu vấn đề như thế nào để thấy rõ gốc, bản chất vấn đề là gì chứ không phải là kỷ luật", ông Cương nói.

Trước câu hỏi, nếu Trung ương điều động một cán bộ về địa phương khó khăn làm Bí thư hay Chủ tịch nhưng anh ở Hà Nội, anh thấy tốt hơn thì chẳng nhẽ không đi, ông Cương nhấn mạnh, công tác tổ chức cán bộ không thể cứng nhắc được.

"Bởi vì một việc rất quan trọng là mặc dù có thể điều động, bổ nhiệm người ta vào vị trí rất quan trọng ở nơi xa xôi hơn, khó khăn hơn thì cần tìm hiểu xem điều kiện người ta có thể thích ứng được hay không.

Còn có rất nhiều trường hợp người ta dùng bổ nhiệm để trù dập cán bộ. Khi người ta không thích, người ta có thể điều động anh đi thật xa...", ĐBQH này cho hay.

Cùng với đó, đối với cán bộ, công chức là phụ nữ, theo ông Cương, việc điều động, bổ nhiệm càng phải xem xét, tìm hiểu thật kỹ.

"Phụ nữ có khi còn con nhỏ, đang rất khó khăn mà bây giờ điều một mình người ta đi xa xôi thì không đơn giản người ta có thể đi được...", ông nói thêm.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Tp Hồ Chí Minh) cũng cho hay, dù không làm công tác tổ chức cán bộ nhưng nếu buộc thôi việc bác sỹ không nhận chức cao hơn thì không nên.

Lẽ ra phải gặp gỡ, thuyết phục, động viên

Còn theo luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng VP luật sư Toàn Cầu, Hà Nội), về nguyên tắc khi người được bổ nhiệm tự nhận thức được khả năng, trình độ, kinh nghiệm của mình chưa đủ để đảm nhiệm nên từ chối thì đó cũng là quyền của cán bộ công chức.  

Quy trình bổ nhiệm rất chặt chẽ, nhưng công tác tổ chức bao giờ cũng phải tôn trọng quan điểm cá nhân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của họ là trách nhiệm của bộ phận tổ chức cán bộ và Ban giám đốc.

"Không phải ai cũng có tư duy được bổ nhiệm là vinh dự, là được hưởng phụ cấp trách nhiệm, có chế độ về lương bổng...

Vì có nhiều người còn tự trọng, có tinh thần trách nhiệm luôn hiểu rằng chức vụ đi liền với nghĩa vụ, trách nhiệm tương xứng với vị trí họ đảm nhận", luật sư Thiệp nói.

Cũng theo luật sư Thiệp, ngành y là ngành đặc biệt, có những vấn đề gắn với nhân thân, tâm lý, cảm xúc có thể làm nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Việc không coi trọng yếu tố này sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt khi trao quyền quyết định sinh mạng của người bệnh cho một Bác sỹ ,với nhiều lý do cá nhân đã không đảm trách chức vụ đó.

Luật sư Lê Văn Thiệp.
Luật sư Lê Văn Thiệp.

"Luật Lao động cũng có quy định rất rõ về việc xin thôi việc của người lao động, đây là quyền của họ, còn nếu có vấn đề về chi phí đào tạo hoặc các nghĩa vụ tài chính khác thì có thể giải quyết bằng quan hệ pháp luật khác tại cơ quan có thẩm quyền.

Việc ra quyết định cho thôi việc như trường hợp bác sỹ Sâm tôi cho là vội vàng, gián tiếp làm ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.

Vì để đào tạo được một bác sỹ có trình độ và khát khao cống hiến cho xã hội chỉ bằng công việc chuyên môn, không tham vọng quyền lực bây giờ rất khó khăn", luật sư Thiệp nêu ý kiến.

Ông cũng nhấn mạnh, lẽ ra bộ phận tổ chức phải gặp gỡ, thuyết phục, động viên, khích lệ để bác sỹ nhận chức vụ mới hoặc để họ làm công tác chuyên môn hay chức danh y tế khác.

"Bộ Y tế đã ban hành Quy chế khám chữa bệnh trong đó có tới 149 chức danh nghề nghiệp trong ngành y tế.

Vậy tại sao lại đuổi việc họ trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân là rất lớn, nhiều địa phương thiếu nhân lực có trình độ cao trong ngành y tế mà chưa thu hút được.

Tôi cho rằng cần xem lại quyết định buộc thôi việc đối với bác sỹ Sâm", luật sư Thiệp nhấn mạnh thêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại